Chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề về lĩnh vực dân tộc, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải

Cập nhật 08/6/2023, 11:06:27

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, hôm nay (07/6), dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề về lĩnh vực dân tộc, khoa học-công nghệ và giao thông vận tải.

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc, các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng giải trình một số nội dung như:Giải pháp đảm bảo hiệu quả đầu tư Chương trình 1719 (chương trình mới lần đầu tiên dành riêng cho đối tượng đồng bào DTTS và miền núi); tác động của Quyết định 861; việc thực hiện Nghị quyết 33 và giải quyết khó khăn cho đồng bào các dân tộc tại các tỉnh biên giới… Theo đại biểu Quốc hội, quá trình triển khai Chương trình 1719 còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu hoàn thiện quy trình, thể chế, vận hành Chương trình. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tình trạng này, giải pháp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phínguồn lực.Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đềđối với khu vực đặc biệt khó khăn khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì không còn hưởng các chính sách theo địa bàn. Các chính sách hiện nay đã đủ giữ chân đồng bào dân tộc và thu hút lao động đến các vùng biên giới hay chưa và nên có chính sách đặc thù cho vùng biên giới hay không?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, vẫn cần nhiều chính sách hơn nữa để cải thiện đời sống cho bà con vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, cần đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 33 để có những chính sách phù hợp hơn, trong đó quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân, góp phần gìn giữ biên cương.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ(KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực KH&CN, các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến và đề nghị Bộ trưởng làm rõ một số nội dung như: Nguyên nhân thị trường khoa học công nghệ Việt Nam chưa phát triển; có bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước được ứng dụng; giải pháp khuyến khích phát triển sáng chế từ công trình khoa học nghiên cứu trong nước; điều chỉnh cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ nước ngoài cho doanh nghiệp trong nước… Cùng với đó là tình trạng xử lý và giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tồn đọng đang còn chậm trễ và kéo dài. Về vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai chất vấn:

Đại biểu Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Laiý kiến: “Thứ nhất là việc mấy năm nay người dân, DN bức xúc, than phiền về tình trạng xử lý và giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tồn đọng rất là chậm trễ và kéo dài, đặc biệt là với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cũng như kiểu dáng công nghiệp. Và theo như tôi biết thì đến hiện nay số đơn tồn đọng đã lên đến hàng chụn nghìn và kéo dài từ nhiệm kỳ QH khóa 14;việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và DN, thậm chí sẽ dẫn đến tranh chấp về thương mại. Đề nghị Bộ trưởng cho biết về trách nhiệm của mình trong việc này và giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.”

Trả lời các chất vấn của đại biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn.

Đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trong phiên làm việc chiều nay, đại biểu Lê Hoàng Anh – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu ý kiến về trách nhiệm của Bộ trưởng và phương án giải quyết các dự án đầu tư theo hình thức BOT. Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án. Đại biểu nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 01 năm thì Bộ GTVT đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và phương án giải quyết vấn đề trên./.

BT Mỹ Tiến – Trần Thi
(Nguồn từ Cổng thông tin điện tử và Truyền hình Quốc hội)


Lượt xem: 2

Trả lời