Triển vọng phát triển mới từ mô hình nấm đông trùng hạ thảo

Cập nhật 20/1/2020, 17:01:40

Nấm đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý hiếm rất có lợi cho việc chăm sóc sức khỏe cũng như chữa bệnh cho con người. Tuy nhiên, do giá thành cao nên thời gian qua sản phẩm này không được sử dụng rộng rãi và chủ yếu được nhập khẩu về từ các nước. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo thành công, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế mới từ loại dược liệu quý này.

Cơ sở sản xuất Trung Phúc, thị trấn Ia Ly là cơ sở tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại huyện Chư Pah. Nhờ tìm tòi, nghiên cứu và đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở đã thành công trong việc sản xuất ra loại dược liệu có quy trình sản xuất thuộc được đánh giá thuộc loại khó thực hiện nhất này. Với các dòng theo chủng nấm của Hàn Quốc và Hoa Kỳ, hiện cơ sở đã sản xuất ra thị trường nhiều sản phẩm như đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô, đông trùng hạ thảo ngâm rượu, mật ong…Đặc biệt, nơi đây cũng đã sản xuất thành công sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo từ xác động vật- Điều mà rất ít nơi làm được. Đây là dòng sản phẩm có chứa dược tính cao và được bán với giá khá cao trên thị trường.

Chị Nguyễn Thị Liê – Cơ sở sản xuất Trung Phúc, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Bắt đầu là mình trồng dâu nuôi tằm rồi lấy con nhộng tằm để nuôi đông trùng hạ thảo. Vì con nhộng tằm này nó có rất nhiều dưỡng chất. Quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt, khó khăn, môi trường phải vô trùng, tiệt trùng hoàn toàn…Phải mất 3 tháng thì mới được một mẻ nấm. Mình cũng học hỏi, mày mò trên sách báo, internet để mà làm được”.

Để đưa sản phẩm ra thị trường, sau mỗi lứa sản phẩm, cơ sở sản xuất đều gửi mẫu đi kiểm tra chất lượng sản phẩm và kiểm tra thành phần dược tính có trong sản phẩm. Kết quả cho thấy, thành phần dược tính của sản phẩm đều ở mức khá. Quan trọng nhất là 2 dược chất chỉ tồn tại duy nhất ở đông trùng hạ thảo và có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển là Adenosin và Cordycepin đều có trong sản phẩm do cơ sở này sản xuất. Với chứng nhận quan trọng về chất lượng cũng như việc vừa được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với tiêu chuẩn 3 sao đã tạo tiền đề quan trọng giúp sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở tự tin vươn ra thị trường.

Anh Phan Văn Định, Chủ cơ sở đông trùng hạ thảo Trung Phúc, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah cho biết: “Cơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ, chất lượng của sản phẩm do quá trình nuôi cấy mà nên chứ không hề bơm chất nhân tạo vào sản phẩm. Chúng tôi luôn chú trọng vào chất lượng để mang đến những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo nhất cho người tiêu dùng, sản phẩm luôn đầy đủ giấy tờ chứng nhận chất lượng. Hiện đang được mở rộng thị trường”.

Không chỉ xuất hiện các mô hình sản xuất, tỉnh Gia Lai cũng đã thành công trong việc sản xuất giống Đông trùng hạ thảo. Cụ thể, vào cuối năm 2017, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) Gia Lai đã làm chủ quy trình công nghệ từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm từ nấm Đông trùng hạ thảo. Theo đó, đơn vị có thể cung ứng giống cho phát triển sản xuất Đông trùng hạ thảo, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi trồng cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu và cung ứng sản phẩm Đông trùng hạ thảo ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp dược và người dân trên địa bàn tỉnh.

Kỹ sư Thiều Thảo Minh, Cán bộ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết: “Sau khi xác định và nhân giống các chủng nấm Đông trùng hạ thảo có hàm lượng cordycepin cao để tiến hành sản xuất, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hình thành và phát triển quả thể nấm. Kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo gồm các bước: nuôi sợi, tạo quả thể nấm, nuôi quả thể nấm và thu hoạch, chế biến, bảo quản nấm. Nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi dưỡng trong môi trường có các yếu tố không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được điều khiển hoàn toàn tự động khép kín theo chương trình đã được lập trình”.

Thực tế cho thấy điều kiện khí hậu của Gia Lai khá phù hợp với việc sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo và việc sản xuất loại dược liệu quý này đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Cùng với đó, việc trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu và có khả năng cung cấp giống dược liệu này đang mở ra nhiều cơ hội và triển vọng để phát triển kinh tế mới cho người dân, qua đó, cũng góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, phù hợp với chủ trương của tỉnh về phát triển dược liệu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm./.

Ngô Thanh – Ngọc Hà – Viễn Khánh

 


Lượt xem: 267

Trả lời