Xoá bỏ rào cản cho học sinh DTTS ở trường vùng khó

Cập nhật 25/10/2019, 08:10:54

Đối với học sinh DTTS, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2. Đây là rào cản không nhỏ để các em tiếp thu và nắm vững kiến thức, nhất là ở những năm học đầu tiên. Nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trở nên cấp thiết nhưng lại gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, trong cái khó ấy lại càng nổi bật hơn sự sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết yêu nghề, mến trò của các giáo viên, nhất là giáo viên ở các trường thuộc địa bàn vùng khó. Hãy đến thăm ngôi trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Chư Răng, huyện Ia Pa để cảm nhận rõ nét hơn điều đó.

Cầu thang trở thành địa điểm hấp dẫn các em học sinh trong những khoảng thời gian rảnh rỗi ở trường Võ Thị Sáu, xã Chư Răng, chẳng hạn như giờ ra chơi. Những bức vẽ sinh động đầy màu sắc được tạo nên bởi những nét cọ chứa đựng đầy ắp tâm huyết và tình yêu thương của chính giáo viên trong trường.  Việc làm ấy càng ý nghĩa hơn khi được tiếp nối bởi tinh thần sẻ chia, giúp bạn vượt khó của các em học sinh.

Em Lê Văn Phát , HS lớp 3A, Trường TH Võ Thị Sáu, xã Chư Răng, Ia Pa, Gia Lai chia sẻ: “Ở trên tường ngay cầu thang thì cũng có rất nhiều bức tranh. Con thì rất muốn giúp các bạn DTTS nên con sẽ kể chuyện cho bạn nghe, bài nào không hiểu con sẽ chỉ bạn. Và con sẽ cố gắng học thêm để giúp đỡ bạn nhiều hơn”.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có gần 500 học sinh, trong đó gần một nửa là con em đồng bào DTTS. Nhưng ít ai ngờ rằng đây lại là ngôi trường tiểu học đạt chuẩn đầu tiên của huyện vùng khó Ia Pa. Điều đó càng cho thấy nỗ lực rất lớn của thầy và trò nhà trường khi nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để xây dựng được môi trường giaó dục như thế này. Một trong số đó chính là kết quả 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Và để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều mô hình sáng kiến của giáo viên được khuyến khích áp dụng.

Cô giáo Nariah Mai, GV lớp 5 – Trường TH Võ Thị Sáu, xã Chư Răng, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Với lớp tôi, sĩ số HS DTTS là 12/36. Trong lớp này thì các em chủ động trao đổi với nhau qua đó tăng cường tiếng Việt, ngoài ra, tôi cho các em nói chuyện với nhau qua các trò chơi hoặc trong sinh hoạt 15 phút đầu giờ cho các em nói chuyện với nhau nhiều hơn. Phần sắp xếp chỗ ngồi cũng thế, 1 em HS người kinh sẽ ngồi chung với 1 em HS DTTS để trao đổi với nhau. Tôi luôn khuyến khích các em nói chuyện với nhau nhiều hơn, đoàn kết để xem là anh chị em trong một nhà”.

Tuy là việc làm nhỏ nhưng nếu có sự nghiên cứu kỹ càng và thực hiện nghiêm túc vẫn có thể mang lại tác dụng lớn. Nhưng để tạo ra môi trường cho từng việc làm nhỏ phát huy tác dụng, cần thiết phải có một cái nhìn bao quát, một kế hoạch tổng thể để xâu chuỗi những mắc xích ấy thành một nhiệm vụ hoàn chỉnh. Cách làm của Trường TH Võ Thị Sáu cho thấy có sự thống nhất rất cao trong tập thể sư phạm nhà trường vì mục tiêu chung xoá bỏ rào cản ngôn ngữ – một trong những thiệt thòi lớn nhất đối với học sinh DTTS trong học tập.

Cô giáo Mã Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường TH Võ Thị Sáu, xã Chư Răng, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Hằng năm nhà trường tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng GD, đặc biệt là tăng cường TV cho học sinh DTTS. Thực hiện tăng cường TV với tất cả các môn bằng nhiều hình thức. Động viên phụ huynh DTTS nói TV với con em ở nhà, GV cũng sẽ trao đổi với HS không nói bằng tiếng địa phương. Tăng cường thư viện thân thiện, thư viện ngoài trời, thư viện góc lớp, các hoạt động giao lưu giữa khối chính và khối lẻ để HS tự tin, mạnh dạn phát biểu ý kiến, tăng cường khả năng TV cho các em”.

Gia Lai có không ít các trường tiểu học ở vùng khó khăn, theo đó gặp không ít trở ngại trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng học tập cho học sinh DTTS. Kinh nghiệm trong việc tổ chức hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh của Trường TH Võ Thị Sáu chắc chắn là bài học giá trị để các đơn vị trường học khác tham khảo và triển khai./ .

Hòa Giang , Viễn Khánh


Lượt xem: 32

Trả lời