Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Cập nhật 10/5/2024, 10:05:42

Sáng nay (10/5), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai; làm 1.129 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán tại khu vực Tây Nguyên. Tại Gia Lai, trong năm 2023 và các tháng đầu của năm 2024 cũng chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và tình hình sản xuất tại địa phương. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh là hơn 101,5 tỷ đồng. Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ quốc gia về PCTT, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và người dân; công tác PCTT-TKCN năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.


Nhận định tình hình thiên tai trong năm 2024 sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường; hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi; theo đó công tác phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia PCTT; bảo đảm yêu cầu PCTT đối với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình PCTT và các công trình cơ sở hạ tầng. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trọng điểm, chuẩn bị ứng phó thiên tai, sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình PCTT, có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra ngay từ trước mùa mưa lũ; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các trận thiên tai, sự cố lớn. Tăng cường mở rộng đối tác và hợp tác để ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý thiên tai; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCTT…/.

Mỹ Tiến – R’Piên


Lượt xem: 6

Trả lời