Tăng cường khả năng đọc, viết cho học sinh dân tộc thiểu số qua đọc truyện

Cập nhật 03/11/2017, 14:11:48

Hiện nay nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều hạn chế trong việc đọc, viết tiếng Việt. Xuất phát từ thực thế trên, thời gian qua, các đơn vị trường học ở các xã vùng sâu trên địa bàn huyện Kbang đã tăng cường, bổ trợ tiếng Việt cho học sinh thông qua việc đọc truyện tranh.

Một buổi đọc truyện tranh của các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám ở xã Krong, huyện Kbang ở thư viện ngoài trời. Việc đọc truyện như thế này được nhà trường duy trì đều đặn khoảng 30 phút vào các ngày học chính khóa trong tuần của hơn 2 năm học qua. Học sinh học buổi sáng thì đọc truyện buổi chiều và ngược lại. Với khoảng 100 đầu sách được các nhà hảo tâm tặng với đầy đủ các loại truyện của thiếu nhi có nội dung ngắn gọn và hình ảnh minh họa nên các em rất hứng thú. Ngoài ra, nhà trường còn mượn thêm truyện của thư viện huyện và khoảng 1 tháng lại xoay vòng để các em học sinh được đọc thêm các truyện mới.

Em Đinh Thị Uyê, Lớp 5, Trường PTDT BT T’H Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang chia sẻ: “Em thích đọc truyện ở thư viện, vì đọc truyện giúp em đọc được tốt hơn và biết thêm nhiều điều”.

Thông qua việc đọc truyện tranh đã giúp cho khả năng đọc, viết, giao tiếp của các em học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tốt hơn. Từ đó, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức cũng như trong việc tiếp thu bài của các em học sinh.

 Thầy Hoàng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDTBT T’H Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang cho biết: “Trường PTDTBT T’H Lê Văn Tám có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%; khi các em ra học tại trường thì nhà trường nhận thấy rằng ngôn ngữ của các em rất là hạn chế; thấy được điều đó nên nhà trường chú trọng việc văn hóa đọc trong nhà trường. Truyện cung cấp cho các em đọc ở đây là truyện tranh có 2 kênh, một là kênh chữ, 2 là kênh hình và nội dung truyện nó ngắn nên tạo hứng khởi; thông qua việc đọc truyện thì giúp cho các em yêu trường, yêu lớp yêu quê hương, đất nước; cái đặc biệt quan trọng là giúp các em phát triển được ngôn ngữ nói, ngôn ngữ đọc để phục vụ cho các môn học khác”.

Được biết, hiện hầu hết các đơn vị trường học ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang đều đã xây dựng được thư viện ngoài trời với đầy đủ các loại truyện tranh thiếu nhi để giúp cho các em học sinh dân tộc thiểu số trau dồi  khả năng đọc, viết tiếng Việt. Đây là cơ sở để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 148

Trả lời