Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò

Cập nhật 14/6/2021, 07:06:43

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, khả năng bệnh VDNC trên trâu, bò sẽ tiếp tục lây lan do chưa kiểm soát được các véc tơ truyền bệnh. Bệnh VDNC ở trâu, bò được xác định lây chuyền qua côn trùng chích hút nên việc kiểm soát khá khó khăn. Đối với tỉnh Gia Lai việc kiểm soát dịch bệnh lại càng khó khăn hơn do đặc thù của chúng ta là bà con có thói quen chăn thả rông và phần lớn trâu, bò chăn nuôi ở quy mô nhỏ, lẻ theo hộ gia đình. Vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh VDNC, ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng, các địa phương đã và đang triển khai các biện pháp như thế nào, bài viết sau sẽ phản ánh vấn đề này.

Hiện nay, tại những địa bàn nơi đã ghi nhận có số bò bị mắc VDNC, công tác phòng, chống dịch đang được triển khai đồng bộ. Tại các cửa ngõ chính ra vào địa bàn xã đều đã được lập các chốt kiểm soát, không cho lưu thông vận chuyển, mua bán, giết mổ bò mắc bệnh ra khỏi địa bàn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân, cách ly bò mắc bệnh với những con bò khỏe mạnh. Đối với số bò chưa mắc bệnh cũng không tiếp tục chăn thả ra bên ngoài, tạm thời nuôi nhốt tập trung để thuận lợi cho việc theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng bất thường cần báo ngay cho để kịp thời can thiệp, xử lý, không để  bệnh lây lan diện rộng.

Ông Hồ Ngọc Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang cho biết: “Về phía xã chúng tôi cũng đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để lây lan trên diện rộng. Đến nay chúng tôi đã lập các chốt kiểm soát chính ra vào địa bàn, còn lại các đường tắt người dân đã tự phân công để không cho vận chuyển, mua bán, giết mổ trâu, bò bị bệnh ra khỏi địa bàn. Chúng tôi cũng đã vận động người dân tạm thời không chăn thả bò ra bên ngoài mà nuôi nhốt trong chuồng để theo dõi.

Ông Lữ Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa trao đổi: “Về phía Ia Pết đã ban hành các phương án, kế hoạch, củng cố kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh, triển khai các tổ phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các thôn, làng và ở các đoạn đường đầu xã. Triển khai tổ chức phun tiêu độc khử trùng, hướng dẫn người dân cách ly, chăm sóc bò bị bệnh. Hiện nay xã triển khai rà soát, thống kê toàn bộ đàn bò trên địa bàn để triển khai phòng, chống dịch bệnh kịp thời”.

Bà Nguyễn Thị Uyên Ny, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã đã có 7 xã có trâu bò bị dương tính với virus viêm da nổi cục, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tuyên truyền cho bà con không nên hoang mang bởi vì bệnh viêm da nổi cục này chỉ có ở trên trâu bò không lây lan sang người, tỷ lệ lây lan của nó từ 10-20% và tỷ lệ chết chỉ từ 1-5%, việc thực hiện tiêu hủy chỉ thực hiện ở những con gia súc mắc bệnh chết, đồng thời cũng tuyên truyền cho bà con là không nên mua bán, vận chuyển và vức xác gia súc ra ngoài môi trường; đồng thời tiến hành hướng dẫn các hộ chăn nuôi có trâu bò bị bệnh thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng trừ dịch bệnh như phun thuốc khử khuẩn, cách ly, phun các loại thuốc diệt trừ các loại muỗi, ve là con vật trung gian truyền bệnh. đồng thời hướng dẫn cho hộ dân tiến hành chăm sóc tốt để con vật tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh này”.

Các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC ở trâu , bò không chỉ được tập trung thực hiện ở những địa bàn đã có bò mắc bệnh mà ngay cả những địa phương chưa ghi nhận bò mắc bệnh, các biện pháp cũng đang được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cũng đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm.

Ông Âu Thành Trung – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa nói: “Ngay sau khi tình hình dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh xảy ra, đối với huyện Krông Pa đàn bò hơn 63 ngàn con. Hiện nay, khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện có văn bản khuyến cáo, đối với các địa phương có đàn bò tiến hành tiêu độc khử trùng và giám sát đàn bò khi có biểu hiện thì báo ngay cho cơ quan chức năng để giám sát, hướng dẫn, cách ly và chăm sóc đàn bò”.

Gia Lai là địa phương có tổng số đàn trâu bò đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 2 cả nước với tổng số hơn 431 ngàn con. Mặc dù là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, song chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên và khu vực chăn nuôi không đảm bảo công tác vệ sinh, trong khi đó bệnh VDNC lại lây lan sang qua các loại côn trùng chích, hút. Đây chính là một trong những khó khăn, trở ngại cho công tác  phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ về bệnh VDNC để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng và cần được đẩy mạnh.

Nhóm PV, CTV


Lượt xem: 41

Trả lời