Tạc tượng gỗ trong đời sống của người Jrai

Cập nhật 22/6/2022, 16:06:54

Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với văn hóa cồng chiêng, những pho sử thi truyền miệng mà còn được biết đến với những pho tượng gỗ thô mộc và hồn nhiên như chính con người và núi rừng đại ngàn. Và tượng gỗ là biểu hiện của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” thiêng liêng, là một loại hình văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của người Jrai nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung.

Với người Jrai ở Gia Lai, tượng gỗ có ý nghĩa rất quan trọng, là một thành tố gắn liền với đời sống tinh thần của bà con. Mỗi bức tượng gỗ có rất nhiều hình dạng khác nhau và mang những ý nghĩa riêng, chuyển tải đến mọi người thông điệp về đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt của người Jrai. Tượng gỗ dân gian đã có từ xa xưa, trước đây vốn chủ yếu được dùng ở khu vực nhà mồ. Tuy nhiên theo thời gian, vì sự độc đáo của tượng gỗ mà đồng bào Jrai không chỉ coi tượng gỗ là biểu tượng tâm linh, mà còn dùng tượng vào việc trưng bày, trang trí nhà rông, nhà sàn, được đặt ở công viên, bảo tàng, khu du lịch,…và nhiều nhà hàng, quán ăn mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên cũng đã sử dụng tượng gỗ để trang trí. Thông qua đó giới thiệu và quảng bá tới du khách gần xa về nét văn hóa đặc biệt của nghệ thuật tạc tượng gỗ…

Ông Sơ Na – Buôn Ama Djương, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa cho biết: “Tôi đam mê tạc tượng, năm 1986 đã tham gia thi tạc tượng ở thị xã Ayun Pa và đạt giải nhì. Thời gian tạc tượng người chỉ có 1 ngày thôi, muốn tạc đẹp là không dễ dâu, gỗ hương cứng lắm, dụng cụ để tạc tượng  lúc đó chỉ có cái rìu thôi. Mặc dù bận rất nhiều việc đồng án nhưng nếu có dịp được chính quyền động viên, tham gia các cuộc thi về tạc tượng, tôi đều tham gia và thể hiện hết mình. Tạc tượng là công việc mang bản sắc văn hóa dân tộc mình nên phải duy trì và muốn truyền đạt lại cho con cháu sau này”…

Với niềm đam mê nghệ thuật dân gian, sự am hiểu về văn hóa của dân tộc mình cùng đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân tạc tượng Jrai đã biến khúc gỗ vô tri, vô giác thành sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong mùa lễ hội, phản ánh sự sinh động của cuộc sống, góp phần làm nên nét đặc sắc trong văn hóa của người Tây Nguyên. Chính vì thế, tạc tượng gỗ dân gian đã và đang được nhiều người Jrai giữ gìn, bảo tồn và phát huy; người trước truyền dạy cho người sau, người già chỉ cho người trẻ…

Em Khoa – Làng choét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku chia sẻ: “Tôi học tạc tượng từ năm 2018, cậu của tôi đã truyền dạy cho tôi. Công việc tạc tượng là truyền thống do ông cha để lại. Tôi rất yêu thích công việc tạc tượng này vì nó rất ý nghĩa trong đời sống văn hóa của dân tộc, tạc tượng không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Vì thế thế hệ trẻ như tôi sẽ luôn cố gắng nối tiếp cha ông để gìn giữ nét đẹp văn hóa này”…

Mỗi bức tượng gỗ được tạo ra là những “đứa con tinh thần” mà các nghệ nhân đã “thổi hồn” vào đó, họ đã truyền tải vào đó rất nhiều ý nghĩa về giá trị tinh thần và giá trị tâm linh, làm đẹp thêm không gian văn hóa của cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên./.

H’Len – Khách – Duy Linh


Lượt xem: 14

Trả lời