“Suối đàn T’rưng” – Cảm xúc đặc biệt về âm nhạc dân tộc

Cập nhật 23/3/2024, 09:03:40

Tối qua (23/3), một sự kiện âm nhạc đặc biệt mang tên “Suối đàn T’rưng” do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND Tp.Pleiku tổ chức, diễn ra tại Nhà Thiếu nhi Tp.Pleiku. Đêm nhạc là sự kết hợp giữa nhạc cụ tre nứa và dàn hợp xướng âm nhạc dân tộc Việt Nam, đã tạo một bản hoà ca mang vẻ đẹp, sức sống của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ, để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả yêu nhạc. Đến dự Chương trình Nghệ thuật “Suối đàn T’rưng” có các đồng chí: Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Văn Đạt – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Tp.Pleiku và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chương trình được Đài PT-TH Gia Lai truyền hình trực tiếp và Livestream trên các nền tảng mạng xã hội Truyền hình Gia Lai càng tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Những âm thanh trong trẻo này đã cuốn hút cả khán phòng, từ những nốt cao trào, trầm bổng của chiếc đàn T’rưng; tiếng réo rắt của chiếc sáo trúc, du dương của đàn bầu, đành tranh… Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng NSND Phạm Ngọc Khôi, những thanh âm phát ra từ các nhạc cụ tre nứa, kết hợp với những giọng ca khoẻ khoắn, thánh thót đậm chất núi rừng Tây Nguyên, đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc. Tất cả đã cộng hưởng, dẫn dắt khán giả chìm đắm trong tuyệt cảnh thiên nhiên.

NSND Phạm Ngọc Khôi – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vui vẻ nói: “Những cái tác phẩm này chúng ta nghe, chúng ta diễn đạt tính cách con người của Tây Nguyên, trung kiên như trường sơn, hiền hòa như dòng suối. Cái điều đó mang lại ấn tượng sâu sắc, mà để lại trong lòng khán giả. Hôm nay đến đây, chúng tôi rất là sung sướng để biểu diễn, cũng như là chúng tôi đã mang những tác phẩm này, đã đi biểu diễn ở rất nhiều nơi và ở những nước khác nữa. Điều đó mang lại cho chúng ta một niềm tự hào, một nền văn học nghệ thuật, một nền văn hóa và một điều chúng ta nhớ mãi…”

Lấy bối cảnh thực của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ – nơi ra đời của tuyệt tác đàn T’rưng, các nghệ nhân, nghệ sỹ đã tấu lên “lời tâm tình của tre nứa”, qua những tuyệt phẩm đã đi cùng năm tháng như: Suối đàn T’rưng, Vũ khúc Tây Nguyên, Tây Nguyên chào mặt trời…

Một điểm nhấn khá đặc biệt tại đêm nhạc “Suối đàn T’rưng” chính là phần trình diễn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih và nhóm đệm là những nghệ nhân đến từ buôn làng tỉnh Gia Lai, đã mang lại cho khán giả rất nhiều cảm xúc mới mẻ trong dòng chảy của âm nhạc dân tộc truyền thống. Đó là những âm sắc, nhịp điệu mạnh mẽ, hào sảng nhưng cũng đầy chất trữ tình, yêu thương của người Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih – Huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Tôi rất cảm động, khi cùng với các nghệ sỹ của Học viện Âm nhạc Quốc gia trình diễn nhạc cụ tre nứa cho người Jrai, người Tây Nguyên và Người Việt Nam. Với những thanh âm rất đặc biệt chúng ta đã tấu lên ở nước ngoài cho bàn bè thế giới biết, phát huy giá trị của nó, đó là điều độc đáo.”

Chị Hoàng Thị Thương Thương – TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Nghê rất hoành tráng, rất nhiều nhạc cụ phối hợp nên được thoả mãn luôn. Cảm giác như hoà mình vào thiên nhiên, nghe thoả mái tinh thần…”

Vượt qua giới hạn của một chương trình nghệ thuật đơn thuần, “Suối đàn T’rưng” còn lời tâm tình, tri ân đối với cố Nghệ sỹ Ưu tú Nay Pharr – Người con Jrai ưu tú của buôn làng Gia Lai, đã đưa tiếng đàn T’rưng của dân tộc vượt khỏi biên giới quốc gia để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Ở tuổi 80, với NSND Đỗ Lộc, lần trở về Gia Lai, Tây Nguyên hôm nay thật đặc biệt. Trực tiếp có mặt trên sân khấu của “Suối đàn T’rưng”, kể câu chuyện về vùng đất mà ông cùng với người anh, người đồng nghiệp đó là cố Nghệ sỹ Ưu tú Nay Pharr đã từng gắn bó, sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Bao kỷ niệm ùa về, với NSND Đỗ Lộc “Suối đàn T’rưng” là món quà tinh thần đặc biệt ý nghĩa để các nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ hôm nay tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh đi trước đã dành cả cuộc đời cho âm nhạc cách mạng, âm nhạc Tây Nguyên.

 NSND Đỗ Lộc chia sẻ: “Chúng tôi là những cái người may mắn được sát cánh cùng với các nghệ sĩ Tây Nguyên từ rất sớm, trong đó có anh Nay Pharr, rồi có những nghệ sĩ khác nữa. Chúng tôi đã biết đến mảnh đất với sự giàu có về âm nhạc và từ đó tôi cũng đã thấm dần âm nhạc của Tây Nguyên. Cũng rất là may mắn là tôi đã được đi nhiều nước, trước đây thì cùng với anh Nay Pharr  đã giới thiệu đàn T’rưng hết sức phong phú của mình với nhiều nước trên thế giới và những cái tác phẩm tôi viết đã được các thế hệ, em cháu và cũng như là tất cả các nghệ sĩ hiện nay biết đến và biểu diễn cho nhân dân và cho tất cả những khán giả trong và ngoài nước biết đến.”

 Bà Dương Thị Thanh Bình – Phó Giám đốc Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận xét: “Chương trình này thì, thứ nhất là giới thiệu âm nhạc truyền thống và trong đấy đặc biệt là âm nhạc của Tây Nguyên và chúng tôi cũng rất là tri ân các nghệ nhân của vùng đất Tây Nguyên. Hôm nay chúng ta cũng có khách mời là các bác, có những người đã ngoài 80; có những người sáng tác tác phẩm viết về Tây Nguyên, là những người đầu tiên  đưa cái cây đàn T’rưng đi ra quốc tế. Đây là dịp để tri ân và cảm ơn tất cả sự đóng góp của các nghệ nhân của vùng đất Tây Nguyên, cũng như là các giảng viên, các nghệ sĩ đã cống hiến của chúng tôi từ các thế hệ trước.”

 12 tiết mục hát, độc tấu, hòa tấu đàn T’rưng biểu diễn trong đêm nhạc; mỗi tiết mục đều có màu sắc riêng nhưng đều có điểm chung là tôn lên vẻ đẹp của âm thanh phát ra từ những nhạc cụ rất thuần Việt. Tuy lần đầu tiên tổ chức nhưng Chương trình nghệ thuât “Suối đàn T’rưng” giúp khán giả đến gần hơn với âm nhạc truyền thống của dân tộc thông qua vẻ đẹp mộc mạc của những nhạc cụ tre nứa. Đặc biệt hơn, sự thành công của Chương trình còn là món quà đầy ý nghĩa, lời tri ân dành cho cố Nghệ sỹ Ưu tú Nay Pharr – Người đã dành trọn cuộc đời cống hiến sức lực, tài năng, nhiệt huyết cho âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam.

Kim Ngân – Ksor Tuối


Lượt xem: 7

Trả lời