Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đồng hành huyện Ia Grai thực hiện xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm địa phương

Cập nhật 04/8/2022, 13:08:53

Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Ia Grai nói riêng đã chú trọng thực hiện xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Điều đó đã trở thành điểm tựa để các sản phẩm của địa phương phát triển bền vững và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Cây điều là 1 trong những cây trồng chủ lực của người dân xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Tuy nhiên, đa số điều sau khi thu hoạch, người dân chỉ bán hạt điều nguyên liệu nên giá cả bấp bênh, chính vì thế đầu năm 2020, anh Nguyễn Thiêm, ở làng Bia Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai đã tập trung chế biến và đẩy mạnh phát triển sản phẩm từ hạt điều. Với mong muốn hạt điều giữ được hương vị đặc trưng, anh Thiêm áp dụng phương pháp rang điều bằng củi. Vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, nhờ thế sản phẩm của gia đình anh dần được người tiêu dùng biết đến. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang hỗ trợ anh thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã số mã vạch và tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm “Hạt điều Nguyễn Thiêm” nhằm đáp ứng các tiêu chí để đăng kí sản phẩm OCOP của địa phương cũng như xây dựng uy tín thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hoá cho sản phẩm.
Anh Nguyễn Thiêm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyễn Thiêm, làng Bia Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai cho biết: “Cũng mong các cấp chính quyền, địa phương quan tâm cá nhân phát triển thương hiệu, mong khách hàng biết đến thương hiệu điều Gia Lai nói riêng, tuyệt vời hơn. Qúa trình tìm hiểu, mình thấy sản phẩm thủ công nó đặc hữu, thủ công, riêng biệt cực kỳ, hương vị khác các địa phương khác nên mình chọn hướng hạt điều rang củi thủ công.”
Cùng với việc hỗ trợ các chủ thể sản phẩm thực hiện xây dựng thương hiệu thì hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đang đồng hành cùng huyện thực hiện dự án xây dựng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Chôm Chôm Ia Grai” nhằm nâng cao uy tín, danh tiếng và thị phần tiêu thụ sản phẩm chôm chôm của địa phương trên thị trường. Theo đó, dự án được triển khai trong hơn 1 năm, bắt đầu từ đầu năm 2020 với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Dự án tập trung thực hiện các nội dung như: Thu thập thông tin, xác định tiêu chí chứng nhận cho sản phẩm, xác định chủ sở hữu, xây dựng bản đồ, hướng dân kỹ thuật canh tác, thiết kế, lựa chọn mẫu logo, xây dựng quy chế và sử dụng nhãn hiệu. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Chôm Chôm Ia Grai” để triển khai cho Nhân dân trên địa bàn huyện đăng kí sử dụng.
Ông Rơ Mah Klin – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô, huyện Ia Grai cũng nói: “Trên địa bàn hiện nay, trên cơ sở cây ăn trái khoảng 100 ha, trong đó cây chôm chôm là khoảng 60 ha. Sau khi Sở Khoa học làm việc với xã triển khai một số nội dung liên quan để đăng kí nhãn hiệu sản phẩm. Xã cũng đã từng bước cùng với Sở thực hiện các thủ tục, hồ sơ để đăng kí. Đối với cây chôm chôm trên địa bàn đang phát triển tốt. Để thuận tiện cho bà con, về phía xã vận động bà con tham gia chuỗi OCOP, nếu mà Sở và Sở Công Thương công nhận, trên địa bàn xã Ia Tô cũng mong muốn đưa vào sản phẩm OCOP trong thời gian tới để ổn định đầu ra cho bà con.”
Ông Nguyễn Đức Thừa – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Ia Grai cho biết: “Sở Khoa học quan tâm hỗ trợ về mặt kinh phí, giới thiệu, tập huấn, nhãn mác để làm logo, quá trình sàng lọc logo đã tìm ra được đăng kí. Chôm chôm Ia Grai, đặc biệt là vùng trồng đã có tiếng từ lâu rồi nên rất hiệu quả, cả vùng Gia Lai đều biết đến cái tiếng của chôm chôm Ia Grai nhưng chưa có nhãn hiệu, chứng nhận nên lưu hành rộng rãi rất là khó khăn nên đợi Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận cho Nhân dân tiêu thụ rộng rãi hơn.”
Xác định việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP là rất cần thiết, vì vậy với sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Ia Grai đã hỗ trợ các chủ thể, đơn vị thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, thiết lập cơ chế quản lý và các điều kiện sử dụng các nhãn hiệu, cơ chế khai thác nhãn hiệu. Đó là những yếu tố cơ bản, giúp chủ sở hữu và các đối tượng liên quan thuận lợi trong quản lý, sản xuất kinh doanh; giúp các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chất lượng tốt, nâng cao giá trị kinh tế và có thương hiệu chính thức, khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 15

Trả lời