Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Cập nhật 30/10/2021, 17:10:19

Hôm nay (30/10) – Ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo chương trình làm việc, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì điểm cầu tại tỉnh Gia Lai.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ đề ra và thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.  Theo các đại biểu, trước tình hình và dự báo về dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới và những tác động của dịch bệnh, tất cả nội dung, biện pháp, chỉ tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong tổng thể phục hồi kinh tế, khắc phục hậu quả dịch bệnh. Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ông Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng: Trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực và cần chú trọng việc quản trị thị trường lao động phù hợp với biến động và những thách thức của dịch bệnh. Ông Đinh Ngọc Quý cũng cho rằng: Phương pháp tiếp cận thị trường lao động từ phía cơ quan quản lý nhà nước phải điều chỉnh so với trước đây và phải có hệ cơ sở dữ liệu tốt hơn, toàn diện hơn, thông tin cập nhật hơn, đa dạng hơn cả của người lao động và người sử dụng lao động nhằm khắc phục những điểm nghẽn lâu nay là cung – cầu lao động chưa gặp nhau, cung- cầu đào tạo và thị trường còn khá hạn chế.

Ông Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực  Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu: “Phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại thị trường lao động cần được chú ý hơn không chỉ trên những đánh giá qua các chỉ số tổng quát mà còn phải có sự thay đổi về chất thực sự để khắc phục những hạn chế hiện nay./ Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần đầu tư hơn, chú trọng đến các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp phản ánh được cơ cấu lại về chất lượng của thị trường lao động, tận dụng những năm còn lại của cơ hội dân số vàng chỉ đến có một lần với mỗi quốc gia – ở Việt Nam chỉ còn khoảng thời gian 20 năm nữa cho dư lợi dân số này, đồng thời tận dụng lợi thế của vốn nhân lực (hiện đang ở mức khoảng 0,68- 0,69 – cao hơn mức trung bình của thế giới, trong khu vực) không chỉ để khắc phục những hạn chế hiện nay mà còn bù đắp cho lực lượng lao động sụt giảm, già hóa dân số tăng nhanh.”

Liên quan đến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cũng đề xuất cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, xác định đúng tiềm lực của từng ngành, địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi. Theo các đại biểu, cơ cấu lại kinh tế phải tìm ra và xác định được những nút thắt và tháo gỡ kịp thời những nút thắt thì việc cơ cấu lại nền kinh tế mới đạt hiệu quả. Trong các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các đại biểu đề nghị: Ngành nông nghiệp cần tự chủ việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, có giải pháp giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường thế giới, đồng thời có các giải pháp để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng…

Chiều nay, góp ý vào dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025), các đại biểu đánh giá cao các quan điểm, mục tiêu và phương án quy hoạch, đồng thời thống nhất với những ý kiến đề xuất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với dự kiến Quy hoạch trên. Để việc quy hoạch sử dụng đất quốc gia phát huy hiệu quả, hạn chế việc lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, các đại biểu đề nghị việc quy hoạch cần ổn định và có tính khả thi cao; tránh quy hoạch treo làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và cần công khai công tác quy hoạch ở từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Bên cạnh đó cần phân cấp cho HĐND cấp tỉnh trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; quan tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai. Song song với đó là kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích các loại đất; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai gắn với tăng cường công tác thanh, kiểm tra; xây dựng chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai…Các đại biểu cũng đề nghị: Ngoài việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, Chính phủ cần hỗ trợ giá lúa để người dân yên tâm sản xuất, đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng sàn giao dịch lúa gạo để thúc đẩy các hoạt động giao thương và xuất khẩu lúa gạo…

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết và xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Sau khi hoàn thành nội dung chương trình họp đợt 1 theo hình thức trực tuyến, theo kế hoạch, từ ngày 8 đến 13/11 sắp tới, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội./.

Thiên Thanh – Thanh Sáng


Lượt xem: 17

Trả lời