Quốc hội họp trực tuyến, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cập nhật 22/10/2020, 16:10:51

Sáng 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định. Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Một số ý kiến tán thành bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Do còn có ý kiến khác nhau, dự thảo Luật xin thể hiện 02 phương án theo 02 loại ý kiến nêu trên để tiếp tục xin ý kiến Quốc hội.

Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy được quy định theo hướng cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đến nay, đồng thời chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy. Theo đó, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này (khoản 1 Điều 96) để tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); đồng thời, bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy. Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Theo chương trình làm việc, chiều nay, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

BT: Thiên Thanh


Lượt xem: 24

Trả lời