Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư

Cập nhật 11/11/2021, 17:11:03

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV; hôm nay (11/11), dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục ngày thứ hai của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư. 

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, các đại biểu tiếp tục chất vấn thêm với nhóm vấn đề thứ hai về lao động, thương binh và xã hội còn nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận chiều ngày 10/11. Nhiều câu hỏi đã gửi tới Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người lao động tự do để không bị bỏ lại phía sau.

          Đặt vấn đề chất vấn, có đại biểu trăn trở, làm thế nào để người dân có việc làm và thu nhập ngay tại quê hương. Qua việc di chuyển ồ ạt từ các trung tâm thành phố lớn về các tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong việc tạo việc làm giữa các địa phương. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết chiến lược để tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại quê hương mình. Liên quan đến vấn đề lao động nhập cư, đại biểu chỉ ra rằng, qua đại dịch, nhiều doanh nghiệp địa phương mới nhận thấy vai trò đích thực và tính cấp thiết của lao động nhập cư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vấn đề cần quan tâm nhất trong xác định chính sách hỗ trợ để những lao động này không bị coi là công dân hạng 2. Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng có 3 vấn đề cần quan tâm để giải quyết tốt về chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này: Một là, phải đánh giá đúng vai trò của lực lượng lao động địa phương về thành thị và đô thị, đặc biệt là đối với lĩnh vực dịch vụ xã hội thì chính lực lượng lao động dịch chuyển từ các địa phương này có vai trò rất quan trọng. Hai là, phải đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, môi trường sống, môi trường tối thiểu của người lao động. Đó là nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo để đảm bảo cuộc sống bình thường của một người dân. Trong dịch bệnh vừa qua thì thêm một vấn đề nữa là vắc-xin; và ba là, vấn đề chế độ làm việc cho người lao động, tiền lương, thu nhập và các khoản khác.

          Tiếp tục phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các đại biểu tập trung vào những nội dung, đó là việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; công tác dạy học trực tuyến; việc giảm tải chương trình học cho học sinh… Chất vấn về vấn đề học trực tuyến, các đại biểu chỉ ra rằng, nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc học tập của những học sinh này sẽ như thế nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ra sao? Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc dạy và học trực tuyến không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ năm học trước nhưng bước vào năm học này, quy mô, tính chất, thời gian học trực tuyến là chưa từng có với rất nhiều thách thức. Thực tế, 1,8 triệu học sinh  hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học. Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những học sinh không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất. Việc đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ theo dõi các đơn vị thường xuyên; đồng thời tiếp tục tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập.

          Trả lời chất vấn của đại biểu rằng trong dịch bệnh, Bộ nhìn thấy điểm gì cần khắc phục? Người đứng đầu ngành GD&ĐT cho biết, về phương diện quản lý Nhà nước, Bộ đang làm tốt, nhưng khả năng ứng phó tình trạng khẩn cấp, nghiệp vụ, hiểu biết, cả hệ thống của ngành phải làm nhiều hơn. Trong việc ban hành chính sách cũng cần chú ý hơn đến tính đa dạng, tính đặc thù các vùng miền, phù hợp với thực tế.

          Quốc hội đã dành phần lớn thời gian trong chiều nay để chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Liên quan đến những chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, có đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân chậm trễ từ đâu? Giải pháp nào khắc phục để tăng tốc độ giải ngân? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm, được nêu ra tại nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án còn nhiều bất cập, phải điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã phân cấp nhiều cho các địa phương, Bộ chỉ thực hiện một số khâu. Do đó, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ chủ yếu là do các địa phương.

          Trả lời chất vấn của đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đánh giá kinh nghiệm phục hồi kinh tế của thế giới; đồng thời những định hướng lớn trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nước trên thế giới có chính sách, quyết sách nhanh, gói quy mô lớn, chưa có tiền lệ, bất chấp kỷ luật về tài chính. Các nước chấp nhận bội chi ngân sách, tăng nợ công. Nhờ đó sau khi tiêm phủ vắc-xin, các nước này đã hồi phục kinh tế rất nhanh. Đối với Việt Nam, về quan điểm chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế phải có quy mô đủ lớn, phải đảm bảo kinh tế, vi mỗ, hỗ trợ cả cung và cầu cho nền kinh tế. Các chính sách phải khả thi bảo đảm, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng vay và trả./.

 BT: Mỹ Tiến (Nguồn từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội và Báo Tiền phong)


Lượt xem: 5

Trả lời