Phỏng vấn ông Đặng Ngọc Hùng về công tác phòng cháy chữa cháy

Cập nhật 21/2/2017, 13:02:41

Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn được các ngành, các cấp tích cực triển khai, tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn có diễn biến phức tạp, nhiều vụ cháy lớn đã gây thiệt hại tài sản của nhân dân. Để tìm hiểu nguyên nhân của các vụ cháy và cách đề phòng cũng như những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu thiệt hại do hỏa hạn gây ra, phóng viên Đài PT-TH Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Hùng- Phó Trưởng phòng Phòng cảnh sát PCCC-CNCH (Công an tỉnh Gia Lai).

  

  Phóng viên  :Thưa ông, thời gian vừa qua tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, đặc biệt là nhiều vụ cháy chợ đã để lại hậu quả nghiêm trọng, xin ông điểm lại một số vụ cháy và cho biết nguyên nhân xảy ra các vụ cháy nêu trên?

    Ông Đặng Ngọc Hùng :Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó một số vụ cháy lớn như cháy khách sạn Thanh Kiều ở Chư Sê, cháy kho chứa mỳ ở Ia Grai, rồi cháy chợ ở K.Bang, phường Yên thế và gần đây nhát là cháy chợ ở huyện Kông Chro, gây thiệt hại nặng nề. Về nguyên nhân vụ cháy thì có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó là sự lơ là thiếu cảnh giác của người dân, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy còn hạn chế dẫn đến công tác phòng cháy chữa cháy ở cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; việc chấp hành các quy định của pháp luật phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở và người dân chưa nghiêm túc và triệt để. Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh còn lơ là trong công tác phòng cháy chữa cháy, có đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng sơ sài, chủ yếu để chống đối trong quá trình kiểm tra của các cơ quan chức năng. Đây chính là những nguyên nhân khiến tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước

    Phóng viên : Gia Lai đang bước vào mùa khô là thời điểm tình hình cháy nổ rất dễ xảy ra, xin ông cho biết những giải pháp và cảnh báo như thế nào về công tác phòng cháy nói chung và phòng cháy chợ nói riêng, nhằm đảm bảo công tác phòng chống cháy trong mùa khô này ?

    Ông Đặng Ngọc Hùng :Trước diễn biến cháy, nổ phức tạp, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho mọi người dân. Xây dựng các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức PCCC trong các cơ sở giáo dục phù hợp với chương trình học, cấp học theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát PCCC tập trung, rà soát, tăng cường kiểm tra các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ… Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và cơ sở, tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy; tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng cháy chữa cháy theo các chuyên đề: chợ – siêu thị – trung tâm thương mại, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, phòng cháy chữa cháy rừng… Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, các mặt công tác phòng cháy chữa cháy và xây dựng lực lượng PCCC; nâng cao nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, huấn luyện chiến đấu cho cán bộ chiến sỹ được chú trọng nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trang bị kỹ năng, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ cho cán bộ, chiến sỹ. Cùng với đó, đảm bảo về lực lượng, phương tiện, phương án, hậu cần và các điều kiện khác để chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra  và tham gia đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng cháy chữa cháy. Tập trung hướng dẫn xây dựng, củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành, dân phòng tại các khu dân cư, khu công nghiệp, các đơn vị cơ sở.  Để công tác phòng cháy chữa cháy ở địa phương đi vào nền nếp và hiệu quả, nếu chỉ có lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chắc sẽ rất khó thực hiện mà đòi hỏi các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân cũng phải vào cuộc cùng thực hiện, do vậy tiếp tục xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, chú trọng cả bề rộng và chiều sâu với các nội dung, biện pháp đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, địa bàn, lứa tuổi… Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lồng ghép chương trình giáo dục ở các địa phương, ngành cơ sở nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về phòng cháy chữa cháy đến từng người dân và cán bộ. Đề cao việc tự kiểm tra của các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, duy trì và thực hiện nghiêm túc mọi quy định về phòng cháy chữa cháy.

Về cháy chợ thì theo quy luật, các vụ cháy thường xuất phát từ các đám cháy nhỏ, nếu phát hiện sớm thì việc dập tắt đám cháy rất dễ dàng. Ngược lại, nếu không được phát hiện kịp thời thì đám cháy nhỏ sẽ thành đám cháy lớn. Vì thế, để nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC cháy chợ, yếu tố con người vẫn là quan trọng đó là cần nâng cao nhận thức của tiểu thương buôn bán cần đảm bảo công tác an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra kiểm sóat phòng ngừa, trang bị các thiết bị chữa cháy và nhất là lực lượng chữa cháy tại chổ để giải quyết tình huống kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra….Mỗi cá nhân, gia đình hãy chung tay bằng những hành động cùng Cảnh sát PCCC, không để xảy ra cháy, nổ, chính là bảo vệ mình và an toàn xã hội.

    Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn ./.

Ngọc Ánh+ Minh Trung


Lượt xem: 998

Trả lời