Phong danh hiệu có bảo tồn được văn hóa dân tộc ?

Cập nhật 24/5/2016, 14:05:38

Cách đây hơn 1 năm, cùng với 600 nghệ nhân của cả nước, Gia Lai vinh dự có 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú nhằm ghi nhận những đóng góp trong việc bảo tồn, lưu giữ nét truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, danh hiệu ấy có thực sự giúp cho Gia Lai phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. Phóng sự sau phần nào giải đáp vấn đề này.

 

 

Rơ Chăm Tý – Nghệ nhân trẻ tuổi nhất của tỉnh Gia Lai vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Và điều đáng quý là dù còn trẻ nhưng anh lại biết chế tác nhiều nhạc cụ truyền thống của người Tây Nguyên, ngày ngày vẫn cặm cuội trên tay con dao, ống nứa với mong ước sẽ kế thừa và phát huy được bộ môn nghệ thuật truyền thống, để tiếng đàn T’rưng; đàn Goong mãi vang lên trên núi rừng Tây Nguyên và đến được với bạn bè gần xa…

Nghệ nhân Rơ Chăm Tý, huyện Ia Grai,  Gia Lai cho biết: “Tây Nguyên có rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo như đàn T’rưng; đàn T’ninh; đàn Goong…., Tôi muốn đem hết tất cả những gì mình có để cho mọi người biết được điều đó để cùng nhau giữ gìn nó. Những sản phẩm này là nét văn hóa của người Tây nguyên và trở thành một món quà với khách phương xa”.

Gần 20 năm gắn bó với công việc chế tác và trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, nghệ nhân Rơ Chăm Tý đã được trao tặng nhiều bằng khen và công nhận là nghệ nhân ưu tú nhưng chính anh cũng phải thừa nhận rằng: để giữ gìn và phát huy được bộ môn nghệ thuật văn hóa dân gian này không phải là điều dễ dàng.

    Việc công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú được xem là một cách tôn vinh nghệ nhân- Những người được ví là “Báu vật nhân gian sống”, vừa là một trong những giải pháp giúp các môn nghệ thuật truyền thống thoát khỏi nguy cơ mai một. Tuy nhiên, nếu vinh danh mà không đi kèm những chính sách đãi ngộ thì thật khó đạt được kết quả như mong muốn.

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Di sản Văn hóa, Sở VHTT&DL Gia Lai cho biết: “Công nhận rồi chúng ta có động thái gì không hay là vẫn để đó và tới giờ phút này thì chúng ta vẫn chưa thấy gì thay đổi. Vinh danh này chỉ có giá trị về mặt tinh thần thôi, ở Trung ương thì chưa có chính sách đãi ngộ nào,  còn ở địa phương thì cũng chưa đề ra một cơ chế chính sách gì để nuôi dưỡng hay động viên các nghệ nhân cả chúng ta chỉ hi vọng vào một tương lai gần”.

Phải thừa nhận rằng, thời gian qua, cùng với các tỉnh thành trong cả nước tỉnh Gia Lai đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh và đãi ngộ các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Tuy nhiên công tác này được thực hiện đến đâu, có thật sự hiệu quả hay chưa thì vẫn còn là điều trăn trở lớn. 

Kim Ngân- Phan Nguyên


Lượt xem: 116

Trả lời