Phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới

Cập nhật 08/11/2018, 14:11:17

Xã Ia Nan, huyện Đức Cơ có 10km đường biên giới tiếp giáp với làng Lâm, thuộc xã Pó Nhầy, tỉnh Ratanakiri, vương quốc Campuchia. Trong những năm qua, mùa mưa cũng như mùa khô, hình ảnh những người phụ nữ người Kinh, người Jrai… tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc đã trở nên quen thuộc. Đó là những người phụ nữ thuộc Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Nan, huyện Đức Cơ thành lập nhằm giúp chị em phụ nữ nâng cao nhận thức, chủ động đấu tranh, phòng chống các hoạt động vượt biên trái phép, góp phần giữ vững trật tự, an ninh biên giới.

Sinh ra, lớn lên nơi miền phên dậu Tổ quốc, các hội viên Hội LHPN xã Ia Nan thuộc từng ngọn núi, con suối và dễ dàng nhận ra những thay đổi dù là nhỏ nhất trên mỗi tấc đất quê hương. Gắn bó với công tác vận động quần chúng nhiều năm, các chị hiểu rõ hơn ai hết việc bảo vệ đường biên cột mốc là nhiệm vụ của mỗi người dân. Biên giới bình yên thì nhân dân mới yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng quê hương vững mạnh.

Chị Rơ Lan Lít- Làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ nói: “Tôi đi vận động các hộ gia đình có nương rẫy giáp ranh biên giới để họ biết không phát nương rẫy nơi giáp ranh”.

Tính đến nay, CLB “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới” đi vào hoạt động đã được hơn 3 năm, với gần 40 hội viên tham gia. Hội phụ nữ xã thường xuyên vận động hội viên, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn cam kết vận động người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế biên giới, kiên quyết đấu tranh, không để kẻ địch lôi kéo kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

Bà Trần Thị Thủy- Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết: “Chúng tôi phối hợp với bộ đội biên phòng đi tuần tra biên giới, sau đó tuyên truyền vận động đến 10/10 chi hội cho tất cả hội viên biết được chỗ nào là biển cấm, là vành đai thuộc khu vực mình quản lý rồi tuyên truyền về cấm xâm canh xâm cư. Mỗi người mẹ, người vợ là người tuyên truyền cụ thể nhất. Vợ nói chồng nghe, mẹ nói con nghe theo và tuyên truyền đến toàn thể người dân”.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, CLB “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới” thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Nan và các ngành liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, bảo quản đường biên, cột mốc biên giới; tổ chức những buổi tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông Đường bộ… Qua đó, giúp người dân ở khu vực biên giới nói chung và chị em phụ nữ nói riêng nâng cao nhận thức về quy chế, quy định biên giới; kịp thời phát hiện, tố giác các phần tử xấu có những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn luôn được giữ vững.

Ông Rơ Lan Đức – Phó CT UBND xã Ia Nan, Đức Cơ cho biết: “CLB này có ý nghĩa rất quan trọng. Trên địa bàn xã Ia Nan là xã biên giới, thường xuyên phải phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể và lực lượng vũ trang kiểm tra, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để bà con hiểu, để tổ tự quản hoạt động hiệu quả”.

Những hoạt động thiết thực của CLB “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới” của Hội LHPN xã Ia Nan không chỉ thắt chặt tình đoàn kết gắn bó hậu phương – quân đội, mà còn góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Nhâm Dung, Cao Duy


Lượt xem: 77

Trả lời