Ông Hoàng Văn Tuấn – Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật 05/11/2021, 10:11:36

Chăm chỉ làm ăn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chủ động liên kết, phát triển thương hiệu cho sản phẩm của gia đình để tìm đầu ra ổn định, đó chính là những điều mà ông Hoàng Văn Tuấn ở thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ đã làm được để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Từ những kinh nghiệm đúc kết, ông đã chia sẻ kỹ thuật trồng trọt và hướng đến liên kết để hỗ trợ người dân xung quanh phát triển kinh tế.

Vào vùng đất Gia Lai lập nghiệp từ năm 1990, ban đầu vợ chồng ông Hoàng Văn Tuấn ở thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ là công nhân của Công ty cao su. Sau đó, 2 vợ chồng ông đã nghỉ việc về mua đất làm rẫy. Với kinh nghiệm sẵn có, vợ chồng ông đã trồng, chăm sóc cây cao su. Vào những năm cao su có giá, giúp gia đình có thu nhập ổn định, từ đó ông đầu tư mua thêm để mở rộng diện tích đất sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã có 13 ha. Sau này, khi mủ cao su rớt giá, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng hồ tiêu và nay đang chuyển đổi sang trồng cà phê và cây ăn quả là chủ yếu. Trên diện tích 13 ha, gia đình trồng 2 ha chôm chôm, 7 ha sầu riêng, mít và 4 ha cà phê. Ông Tuấn cho biết: “Lao động để tích lũy, xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, một số trồng cà phê và có kinh tế trồng cây ăn quả, mít, sầu riêng và chôm chôm, 3 cây chủ lực chính. Vừa học hỏi anh em, bạn bè, vừa đi tham quan nhiều vườn của nhiều người  làm kinh tế, mình học theo để áp dụng vào điều kiện thực tế trên vườn cây của gia đình mình.”

Với việc trồng xen canh các loại cây trồng, gia đình ông Hoàng Văn Tuấn gặp khó khăn về khâu chăm sóc nhưng lại có nguồn thu nhập thường xuyên, hạn chế thiệt hại khi giá sản phẩm giảm sâu. Trong mùa thu hoạch chôm chôm, sầu riêng và  mít vừa qua, gia đình ông đã thu được gần 1 tỷ đồng. Để tìm hướng tiêu thụ ổn định lâu dài cho sản phẩm mà mình làm ra, ông đã xây dựng sản phẩm “Mít thái Hoàng Tuấn” là  sản phẩm OCOP 3 sao của huyện trong năm 2020 và năm nay ông đang hoàn tất các thủ tục để phát triển sản phẩm OCOP cho trái sầu riêng.

Ông Tuấn, thôn cho biết thêm:  “Năm ngoái được làm sản phẩm OCOP ở huyện được Phòng Nông nghiệp huyện, UBND huyện hỗ trợ kinh phí để làm giấy tờ, có 1 phần hỗ trợ phân bón có một phần hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, bọc mít, làm tên tuổi cho sản phẩm, mã số mã vạch cho sản phẩm của mình.”

Chị Lê Thị Hương – Cán bộ Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ cho biết:  “Mô hình của nhà chú Tuấn ở địa bàn xã Ia Kla là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tương đối hiệu quả. Trước đây là trồng cây cao su, chú chuyển đổi dần sang cây ăn quả. Từ cây công nghiệp, cây cà phê, cây ăn quả. Năm ngoái là bắt đầu vào thu bói, năm nay bước vào thu chính. Hiện tại cây sinh trưởng và phát triển bình thường và cho lợi nhuận ban đầu.”

Với định hướng phát triển kinh tế cho gia đình cũng như phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, ông Hoàng Văn Tuấn ở thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ đã tham gia liên kết với hợp tác xã và các đơn vị để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm; đồng thời hỗ trợ thêm cho nhiều nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 27

Trả lời