Nông hội chăn nuôi Thỏ Nam Yang- Nâng tầm sản phẩm

Cập nhật 28/6/2021, 10:06:23

Với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, nông hội chăn nuôi thỏ ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa được thành lập, trở thành điểm tựa cho người chăn nuôi thỏ tại địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi ngày càng khó khăn, các thành viên của nông hội vẫn không ngừng áp dụng phương thức chăn nuôi khoa học, an toàn, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất để nâng tầm sản phẩm.

Sau 2 năm thành lập, đến nay Nông hội chăn nuôi thỏ ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa đã bước đầu thành công với việc xây dựng thương hiệu Thịt thỏ Nam Yang. Với năng suất và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, giá cả hợp lý, thịt thỏ Nam Yang đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Anh Trương Công Quân – Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang, Đak Đoa nói: “Qua mô hình nông hội thành lập được 2 năm, thuận lợi là ở chỗ trao đổi được nhiều kinh nghiệm, cùng ngồi lại với nhau thì tìm ra nhiều phương pháp về chăn nuôi, phát triển hơn. Hướng tới sản phẩm đưa ra thị trường đa dạng hơn. Đầu ra chủ yếu nhà hàng, quán nhậu nhưng do dịch bệnh nên cũng giảm, bây giờ chủ yếu bán qua thương lái. Giá cả dao động từ 65.000-80.000 đồng/kg hơi.  Nông hội cũng mong muốn cấp trên quan tâm giúp đỡ để nông hội phát triển hơn.

Với mong muốn nâng tầm giá trị sản phẩm, không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi và cung cấp thịt thỏ tươi ra thị trường mà các thành viên của Nông hội chăn nuôi thỏ Nam Yang đang hướng đến đa dạng sản phẩm. Hiện tại, ngoài bán thỏ thương phẩm, Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang còn chế biến đưa ra thị trường các sản phẩm từ thỏ như: Thỏ móc hàm nguyên con, thỏ hun khói, thỏ khô… với giá bán dao động từ 160.000 đến 450.000 đồng/kg tùy loại. Bên cạnh sản xuất an toàn, Nông hội chăn nuôi thỏ Nam Yang đang đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung theo quy trình chế biến hiện đại, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.

Anh Phan Công Khanh –Xã Nam Yang, Đak Đoa cho biết: “Thời gian đầu cũng học hỏi thêm kinh nghiệm từ anh em nên đến nay bước đầu hiệu quả.  Năm nay sẽ làm để đi thi. Tôi sẽ đầu tư thêm khu chế biến đủ chuẩn để đi thi sản phẩm OCOP, đó là đầu tư khu giết mổ an toàn, mua thêm máy móc, cải thiện lò theo công nghiệp để cho đủ tiêu chuẩn, đồng thời thiết kế bao bì, nhãn mác để đi thi. Đồng thời tìm đầu ra lần lần”.

Anh Trương Công Quân – Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang, Đak Đoa cho biết: “Mình thấy được nhu cầu thị trường qua 2 năm làm thì bây giờ mình cải tiến lại để làm cho một quy trình chế biến hiện đại, không thô sơ như ngày xưa nữa. Vì vậy nông hội sẽ làm lại khu chế biến để ra sản phẩm tới tay người tiêu dùng cho nó hoàn thiện. Hiện tại đang trong quá trình thi công. Nông hội muốn làm theo kiểu khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ, đến tay người tiêu dùng qua các kênh bán hàng, hệ thống siêu thị, nhà hàng”.

Không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư xây dưng quy trình chăn nuôi an toàn nhằm nâng tầm sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay việc tiêu thị sản phẩm gặp không ít khó khăn. Do đó, mong muốn của các thành viên trong nông hội là được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo đầu ra với giá ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế./.

Lê Thư – Kim Châu – R’Piên


Lượt xem: 25

Trả lời