Những người phụ nữ với tình yêu áo dài

Cập nhật 07/3/2024, 06:03:08

Những ngày đầu tháng 3, hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, nhiều cơ quan, công sở, trường học đều xuất hiện hình ảnh những phụ nữ duyên dáng, thanh lịch, thướt tha trong tà áo dài. Để có được những chiếc áo dài tôn lên vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt là rất nhiều tâm huyết, sáng tạo của những người “thổi hồn” cho chiếc áo dài truyền thống.

Vào tối ngày 29.2, tại Nhà hát Hồ Gươm, thủ đô Hà Nội đã diễn ra đêm Khai mạc Tuần lễ Áo dài Việt Nam 2024; chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam tổ chức. Tại đây, ngoài điểm nhấn của show diễn là bộ sưu tập “Tinh hoa Áo dài Việt” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, còn có sự góp mặt của hơn 50 NTK là những học viên xuất sắc nhất sau các khóa học cắt may và thiết kế áo dài ly vuông do NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tổ chức. Trong đó, có bộ sưu tập “Áo dài di sản Gia Lai” của nhà thiết kế Nguyễn Hạnh, đại diện của tỉnh Gia Lai tham dự.

Bộ sưu tập “Áo dài di sản Gia Lai” gồm 5 chiếc, tôn vinh vẻ tuyệt sắc của thắng cảnh Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya và thác Phú Cường. Đây là những hình ảnh lần đầu tiên xuất hiện trên áo dài. Sự duyên dáng của tà áo dài kết hợp với những hình ảnh sống động đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp và giá trị di sản thiên nhiên của vùng đất Gia Lai. Hiện nay, bà Nguyễn Hạnh cũng là nhà thiết kế áo dài duy nhất của tỉnh Gia Lai.

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh – Phường Phù Đổng, TP. Pleiku cho biết: “Lý do tôi lựa chọn học thiết kế áo dài là vì tôi là một người phụ nữ rất yêu áo dài. Là một giáo viên nên tôi thường xuyên sử dụng áo dài trong công việc của mình và tôi nhận thấy tất cả phụ nữ khi mặc áo dài đều rất là đẹp./Tôi quyết  định chọn chủ đề là “Áo dài di sản” cho BST đầu tiên của tôi xuất phát từ ý tưởng, mong muốn công hiến, cụ thể ở đây BST “Áo dài di sản”tôi đưa những thắng cảnh, di sản của tỉnh nhà lên trên tà áo dài với 2 mục đích. Thứ 1 tăng thêm niềm tự hào của người dân Gia Lai đối với địa phương của mình, mục đích thứ 2 là thu hút khách du lích đến với Gia Lai/ Kế hoạch sắp tới thì tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà thiết kế, học trò của thầy Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng thầy quảng bá áo dài ra thế giới.”

Nhà may áo dài Tâm Sâm là một địa chỉ quen thuộc đối với những chị em yêu thích mặc áo dài tại TP. Pleiku. Gắn bó với nghề may áo dài gần 50 năm, bà Trần Thị Tâm Sâm – Chủ nhà may áo dài Tâm Sâm luôn chăm chút từng đường kim, mũi chỉ, tỉ mỉ từng công đoạn để thổi hồn vào sản phẩm của mình.  Bên cạnh những mẫu áo dài truyền thống, bà Sâm cũng thường xuyên cập nhật những kiểu dáng cách tân đang thịnh hành, phù hợp với đời sống hiện đại để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Những mẫu áo dài được “đo ni đóng giày” cho từng vị khách luôn nhận được sự yêu thích, hài lòng của mọi người.

Bà Trần Thị Tâm Sâm – Phường Yên Đỗ, TP. Pleiku nói: “Điều quan trọng nhất là mình phải biết yêu nghề, từ đó mình mới có tâm huyết và rút được kinh nghiệm để hoàn thiện được bộ áo dài truyền thống. Vì thế 1 cái áo dài bên tôi may phải qua 3 công đoạn. Đầu tiên là phải ủi vải, rồi cắt, may đi khớp với nhau. Từ đó khách hành mới vừa ý, khi mặc vào tôn lên được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Để hoàn thành một bộ áo dài là cả tâm huyết của tôi, đối với từng chiếc áo dài, từng khách hàng/ Tôi rất tâm đắc về khách hàng của tôi, có những người may từ đời mẹ rồi tới đời con, đời cháu nữa.”

Đã có lịch sử hàng trăm năm, chiếc áo dài không ngừng biến đổi song vẫn luôn tôn vinh vẻ đẹp thướt tha, dịu dàng mà kín đáo, sang trọng của người phụ nữ Việt. Là những người thổi hồn cho tà áo dài truyền thống, bà Nguyễn Hạnh, bà Tâm Sâm không chỉ dành tình yêu cho chiếc áo dài mà luôn có sự đam mê và tự hào về trang phục truyền thống này. Những bộ áo dài truyền thống qua bàn tay của những người thợ lành nghề đã góp phần giữ gìn và nâng tầm hình ảnh của bộ trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Linh Chi – Huy Toàn


Lượt xem: 112

Trả lời