Nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 03/6/2016, 13:06:41

Xây dựng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn trong vùng dân tộc thiểu số hiện đang được huyện Kbang chú trọng triển khai. Với bước đi phù hợp khi gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước – nhà máy và người nông dân, mô hình này hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao đời sống, giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng.

Để tham gia mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, yếu tố quan trọng nhất đó là người dân có quỹ đất để canh tác. Trên cơ sở đó, Nhà máy đường An Khê sẽ hỗ trợ toàn bộ khâu làm đất, trồng mía bằng cơ giới hóa, phân bã bùn và các chính sách liên quan.

         Là 1 trong 10 hộ tham gia mô hình này tại xã  Kông Bờ La, anh Đinh Chôi cho biết: Trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn rất thuận lợi, mọi công đoạn sau khi được cơ giới hóa, người dân chỉ có việc trông coi, làm cỏ, nếu phát hiện sâu bệnh thì báo cho nhà máy để có hướng khắc phục.

Anh Đinh Chôi nói: “Khâu chăm sóc so với ngày xưa mình làm truyền thống, đại trà thì nó thuận tiện nhiều hơn. Chẳng hạn như khâu chăm sóc, bón phân có luồng, hàng lối vuông vắn, trong khi đó đến mùa màng thì mặt thu nhập thì nhà máy đều sắp xếp thu mua đầu tiên. Tức là mình nhập ngay trong ngày thì lượng đường đỡ hao rất nhiều”….

          Về phía địa phương cũng có những sự hỗ trợ cho nông dân, ông Đoàn Thanh Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kbang, Gia Lai nói : “ Về phía huyện thì hỗ trợ bà con tham gia mô hình cánh đồng mía mẫu lớn gồm có hỗ trợ 30% chi phí về giống. Thứ 2 là hỗ trợ toàn bộ khâu đo đạc để quy chủ, cấp giấy CNQSD đất cho người dân. Nếu như trong thời gian dài 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, các nhà máy không còn hoạt động thì như vậy sẽ khôi phục lại đất cho bà con không phải tranh chấp. Thứ 3 hỗ trợ 1 số chính sách về bao tiêu sản phẩm, kết nối nhà nước – nhà máy – người nông dân để thực hiện tốt cánh đồng mẫu lớn”.

Mọi công đoạn từ khâu làm đất đến thu hoạch mía đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân và các bên liên quan. Theo lộ trình thực hiện, trong năm 2016, huyện Kbang sẽ phát triển 10ha với sự tham gia của 10 hộ đồng bào DTTS tại xã Kông Bờ La. Tiếp đó trong năm 2017, huyện sẽ liên kết, mở rộng thêm 20ha cho 20 hộ dân của xã Kông Lơng Khơng và Tơ Tung cùng thực hiện.

Về vấn đề này ông Đoàn Thanh Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kbang, Gia Lai cho biết: “Trong những năm tiếp theo thì huyện chủ trương từ nay đến năm 2020 để tiếp tục triển khai trên 7 xã vùng mía của huyện Kbang. Trong đó đối tượng thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn là đồng bào dân tộc Bana tại chỗ”….

Theo ước tính, với quy trình canh tác hợp lý bằng phương pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, 1ha mía trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ cho năng suất từ 100 đến 120 tấn mía cây, sau khi trừ chi phí người dân sẽ thu lời hơn 40 triệu đồng, cao gấp gần một nửa so với trước đây. Chính từ hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình cánh đồng mía mẫu lớn được xem là bước đi phù hợp giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại Kbang ổn định, nâng cao đời sống…/.

 
 

Đoàn Bình


Lượt xem: 104

Trả lời