Người mang tiếng trống Đọi Tam đến với đại ngàn Tây nguyên

Cập nhật 12/8/2016, 14:08:41

Từ lâu tiếng trống đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt như: tiếng trống trường, trống trong lễ hội, sự kiện lớn nhỏ của đất nước và cả tiếng trống của sự vui, buồn…Có được tiếng trống vang vọng, bay xa ấy phải kể đến công lao của những người đã ra sức bảo vệ và lưu truyền nghề làm trống. Tại thành phố Pleiku có một người thợ vẫn miệt mài gìn giữ nghề làm trống nổi tiếng của làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Từ lâu tiếng trống đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt  như: Tiếng trống trường, trống trong lễ hội, sự kiện lớn nhỏ của đất nước và cả tiếng trống của sự vui, buồn…Có được tiếng trống vang vọng, bay xa ấy phải kể đến công lao của những người đã ra sức bảo vệ và lưu truyền nghề làm trống. Tại thành phố Pleiku có một người thợ vẫn miệt mài gìn giữ nghề làm trống nổi tiếng của làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

12.8 nguoimangtrong

 Tiếp chúng tôi tại cơ sở sản xuất trống của mình nằm trên đường Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, Tp Pleiku, anh Đinh Tiến Long như có dịp để trải lòng mình với nghề mà anh đang theo đuổi. Sinh ra trong một gia đình làm trống lâu đời ở làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, từ nhỏ, anh Long đã biết yêu cái tiếng thùng thình, vang vang của trống. Nghề làm trống trong làng cứ thế ngấm dần vào máu anh. Để rồi khi lớn lên, anh nguyện dành cả cuộc đời mình gìn giữ nghề quý của cha ông, tạo ra những thanh âm mang đậm hồn cốt dân tộc. Năm 1998, sau vài lần vào Gia Lai thăm người thân và nhận thấy được thị trường tiềm năng, chàng trai 23 tuổi quyết định rời quê hương vào Phố núi Pleiku lập nghiệp cùng với nghề làm trống.

Anh Đinh Tiến Long – Chủ cơ sở sản xuất trống Tiến Long, TP Pleiku cho biết: “ Thời điểm đó nhiều lần dò hỏi, tôi được biết ở Pleiku chưa có cơ sở sản xuất trống chuyên nghiệp nào nên mới nảy ý định đưa trống làng mình lên quảng bá và phát triển ở đây”.

           Với quyết tâm và sự kiên trì, chịu khó của mình, trống của anh ngày càng được nhiều người biết và tin tưởng đặt hàng. Trung bình mỗi năm, anh bán khoảng 100 cái trống trường và 1.500-2.000 trống lân. Tùy theo loại và kích thước mà giá cả cũng rất phong phú, từ vài chục ngàn đồng đến cả chục triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh còn sản xuất thêm loại trống truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có thân được đục từ một khối gỗ xoan mộc, mặt trống bịt bằng da bò để phục vụ nhu cầu của người dân khi có lễ hội.

Anh Long chia sẻ: “ Nghề làm trống cũng lắm công phu, để làm một chiếc trống phải qua ba bước: Làm da, làm tang và bưng trống. Thân trống là sự cộng hưởng âm thanh của cả mặt trống và tang trống. Mặt trống phải đều, phẳng, để khi căng ra phải cân nhau theo chiều chảy, keo dán phải thật kính để âm thanh không bị lọt ra ngoài trống.

Niềm say mê nghề  của anh đã tiếp lửa và truyền đam mê cho nhiều người trong đó có cậu con trai lớn của anh. Nhìn sự chăm chú, say mê của cậu con trai của mình với chiếc trống, lòng anh như cảm thấy vui hơn,  bởi anh biết rồi đây nghề trống truyền thống của quê hương sẽ có người gìn giữ.

Em Đinh Văn Hải – Con trai của anh Đinh Tiến Long nói: “Em cũng thích nghề làm trống, mỗi khi rảnh em lại làm phụ cha, em cũng muốn sau này nối nghiệp này…”

Tâm sự thêm với chúng tôi, anh Long bảo rằng, tới lúc này, anh vẫn không hề hối hận vì quyết định rời quê nhà vào Gia Lai lập nghiệp. Bởi đơn giản, anh đã mang tiếng trống làng mình “gieo mầm” thành công trên một vùng đất mới. Hơn 15 năm tuy không phải là một chặng đường quá dài, song cũng đủ để tiếng trống làng Đọi kiêu hãnh ngân vang giữa vùng đất đại ngàn này./

 Tiến Huy, Đặng Trà

 


Lượt xem: 170

Trả lời