Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước – Bước ngoặt của lịch sử Việt Nam

Cập nhật 05/6/2021, 06:06:39

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm đắm dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược. Các phong trào cứu nước của Nhân dân ta đều thất bại.. Chứng kiến cảnh khổ cực, lầm than của người dân mất nước, sự đàn áp đối với các phong trào yêu nước của kẻ xâm lược, với nỗi niềm đau đáu là làm thế nào để giải phóng dân tộc, con đường nào để nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, cách đây 110 năm (ngày 5/6/1911), tại Bến Cảng Nhà Rồng lịch sử, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước. Đây là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đã đưa dân tộc, đất nước Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc, xây dựng đất nước ta hùng cường như ngày hôm nay.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, với đủ công việc nặng nhọc. Năm 1917, thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Qua các hoạt động thực tiễn và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại, con đường cứu nước cho các dân tộc thuộc địa.

Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920 đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người – từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Theo Nguyễn Ái Quốc, chỉ có Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất. Đúc kết cuộc hành trình đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lê-nin, vừa hoạt động thực tiễn, Người hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Trong giai đoạn 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc đã dồn trí lực đưa Chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị các yếu tố chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức để thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam. Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta, chứng tỏ giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đảng ta ra đời cũng chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về giai cấp và đường lối lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm. Từ đây, Đảng chủ trương tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với Đảng ta lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân – phong kiến; đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước cùng Đảng ta tổ chức Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), quyết định “thay đổi chiến lược”. Theo sáng kiến của Người, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời, một tổ chức mặt trận có tinh thần dân tộc rất cao, có một chương trình rõ rệt, đầy đủ, thiết thực, hợp nguyện vọng các giới đồng bào, đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong Nhân dân. Dù còn non trẻ, mới 15 năm thành lập song Đảng Cộng sản Việt Nam với những đường lối lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết và sức đoàn kết của toàn dân tộc đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước cách mạng – Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp tục con đường cách mạng giải phóng dân tộc, Người đã hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, giành thắng lợi vĩ đại trong 02 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vận dụng sáng tạo lý luận của học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể Việt Nam, sau 76 năm thành lập nước, đặc biệt là qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Có thể nói, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), chúng ta luôn ghi nhớ về mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trọng đại và là bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam; ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước đó cũng là dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Nhớ về Người, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cả nước nói cung, Gia Lai nói riêng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị, tầm quan trọng của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để từ đó, biến thành những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.

BT Đức Hải, R’Piên


Lượt xem: 40

Trả lời