Kinh tế Gia Lai – một năm nhìn lại 

Cập nhật 01/1/2017, 09:01:18

Kết thúc một năm với không ít những khó khăn, thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nước cũng như địa phương, song với tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo…năm 2016 Gia Lai đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đặt ra. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt và vượt kế hoạch, đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi của năm đầu tiên cũng như tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm nhiệm kỳ (2016-2020) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đặt ra.

31-12-kinhte

Khó khăn lớn nhất mà tỉnh Gia Lai phải đối mặt trong năm 2016 là diễn biến thời tiết thất thường. Đặc biệt là hạn hán mang tính lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp điện năng, tổng thiệt hại lên đến 841 tỷ đồng. Trong khi vừa phải gồng mình chống chọi với thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất, các cấp, ngành, địa phương vẫn đảm bảo duy trì ổn định tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2016 tốc độ tăng trưởng đạt 7,48%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 24.523 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 17 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 3.541 tỷ đồng…Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong điều kiện không mấy thuận lợi. Để đạt được kết quả trên, Gia Lai đã có những giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời khắc phục những khó khăn đối với từng lĩnh vực cụ thể. Ở lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã có những chỉ đạo phù hợp để khắc phục những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Ông Hồ Phước Thành,  Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: “Trước những khó khăn phải đối mặt, tỉnh Gia Lai cũng đã kịp thời có những giải pháp căn cơ như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Trong đó một số cây trồng cũng đã được bù đắp về những thiệt hại. Ví dụ như cây lúa trong vụ Đông Xuân bị thiệt hại cũng đã bù vào vụ mùa”.

Ngoài các giải pháp góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2016 lĩnh vực công nghiệp cũng được bù đắp nhờ gia tăng sử dụng sản phẩm phân bón, đẩy mạnh công nghiệp khai thác, chế biến, một số nhà máy chế biến như: Nhà máy đường An Khê, nhà máy đường AyunPa…tiếp tục nâng công suất, đảm bảo phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía ở khu vực phía Đông và Đông Nam của tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, PGĐ Nhà máy đường An Khê cho biết: “ Niên vụ mía 2016-2017 nhà máy đường An Khê cũng nâng công suất từ 12.000 tấn mía cây/ngày lên 18.000/tấn mía cây/ngày. Như vậy vấn đề tiêu thụ trong vùng nguyên liệu sẽ ngày càng ổn định hơn, đảm bảo quyền lợi cho nông dân”.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội khó khăn trong khi tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ của địa phương còn rất lớn. Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh hiện có, năm 2016 tỉnh Gia Lai  đã có những giải pháp quyết liệt. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư được xác định là những bước đột phá, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng được tỉnh Gia Lai xác định là chủ thể quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 diễn ra vào trung tuần tháng 12 đã thể hiện rõ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn thúc đẩy kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Tại hội nghị trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh Gia Lai đã trao Quyết định đầu tư cho 10 dự án và thực hiện ký cam kết đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đầu tư gần 21 ngàn tỷ đồng.

Kết thúc năm 2016 Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế – xã hội rất đáng tự hào. Đó chính là nền tảng, động lực quan trọng để Gia Lai bước sang năm mới với một tâm thế đầy phấn khởi, tự tin sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2017 Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/người trở lên. Đến cuối năm 2017 có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 18.755 tỷ đồng. Theo đó, nhiều giải pháp trọng tâm cũng đã được đặt ra, trong đó, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và một số giải pháp quan trọng khác cũng sẽ được thực hiện một cách quyết liệt.

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Gia Lai nói: “Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung đối thoại doanh nghiệp”….

Với các giải pháp mà các cấp, các ngành tỉnh Gia lai đã và đang nỗ lực thực hiện với một quyết tâm rất lớn, tin tưởng rằng năm 2017 bức tranh kinh tế của Gia Lai tiếp tục có những khởi sắc vượt trội, quy mô nền kinh tế không ngừng được phát triển, mở rộng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Gia Lai xứng đáng là vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên cũng như khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – CamPuChia.

Hồng Uyên -Thanh Sáng – Duy Linh

 


Lượt xem: 269

Trả lời