Kiên quyết xử lý vụ phá rừng trái phép, trộm gỗ ở huyện Chư Pah (Kỳ 1)

Cập nhật 21/2/2017, 13:02:04

Tiếp tục thông tin về vụ phá rừng và trộm gỗ xảy ra tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý, hiện nay việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã thông tin, báo cáo không đúng vụ việc mất trộm gỗ và việc để xảy ra phá rừng tại lâm phần được giao quản lý, bảo vệ đang được các đơn vị, ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai. Vụ việc này cũng đặt ra nhiều điều đáng bàn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở những địa bàn giáp ranh hiện nay. Chúng tôi sẽ có các phóng sự đề cập đến vấn đề này. Mời quý vị và cac bạn chú ý theo dõi.

Vụ phá rừng trái phép và trộm gỗ xảy ra tại Tiểu khu 174 thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý cách trung tâm xã Hà Tây, huyện Chư Pah hơn 20km. Đây là khu vực giáp ranh giữa huyện Chư Pah với huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum và thành phố Kon Tum, để đến được khu vực này chủ yếu đi bằng đường mòn, địa hình rất hiểm trở. Vào trưa ngày 20/1/2017 (tức 23 tháng Chạp năm Bính Thân), khi tuần tra, mật phục Tổ công tác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah do ông Lê Đức Nhàn làm Tổ trưởng cùng với các ngành chức năng đã phát hiện có 73 lóng gỗ tương đương với hơn 37m3 gỗ từ nhóm 5 đến nhóm 8 bị lâm tặc chặt hạ trái phép. Sau đó tổ quản lý bảo vệ rừng này đã dẫn giải 2 đối tượng phá rừng cùng 2 con bò dùng để kéo gỗ trái phép đến cơ quan chức năng để xử lý, đồng thời bảo vệ số gỗ trên. Nhưng đến tối 31/1, rạng sáng mùng 1/2/2017 (tức tối mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết Đinh Dậu 2017), 45/73 lóng gỗ đã bị mất trộm. Ông Lê Đức Nhàn cho biết, vì bản thân và các thành viên trong tổ sợ trách nhiệm để mất tang vật nên thông tin với báo chí và báo cáo lãnh đạo là lâm tặc đã “cướp” gỗ chứ thực tế là bị trộm mất gỗ. Ông Nhàn nói: “Do lo sợ trách nhiệm đã canh giữ mà để mất gỗ nên chúng tôi đã khai báo không đúng sự thật, chúng tôi đã nhận trách nhiệm để mất tang vật và khai báo không đúng sự thật”.

Sau khi xảy ra vụ lâm tặc trộm gỗ nói trên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Công an huyện Chư Pah, các ngành chức năng của xã Hà Tây cùng với Đội Kiểm lâm cơ động số 2 và đoàn liên ngành thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh trực 24/24h tại hiện trường để bảo vệ số gỗ còn lại, đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ để điều tra xử lý nghiêm vụ việc phá rừng và trộm gỗ trên theo đúng các quy định của pháp luật và nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thành- Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah cho biết: “ Đơn vị đã nghiêm khắc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân; đã họp kiểm điểm xử lý kỷ luật đối với đồng chí Nhàn và 6 đồng chí khác trong tổ. Lãnh đạo Ban đã nhận trách nhiệm để xảy ra vụ phá rừng và khai báo thông tin không đúng sự thật trước Sở NN& PTNT và UBND huyện”.

Ông Nguyễn Ngọc Quang-PCT UBND huyện Chư Pah cũng cho biết: “Ngày 10/2, chúng tôi cũng đã họp và giao cho cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì cứ theo các bước thủ tục mà làm. Ngoài ra xử lý cán bộ thì cán bộ này thuộc sở và sở quản lý nên chúng tôi cũng đề nghị sở căn cứ theo mức độ vi phạm của từng người hay từng tập thể một để mà xử lý nghiêm về trách nhiệm công chức hoặc hình sự. Về mặt huyện, xử lý về đoàn thể, đảng thì chúng tôi sẽ xử lý chi bộ này và muốn xử lý cái này phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng trước mắt là phải kiểm điểm làm rõ động cơ việc này và trách nhiệm quản lý trên địa bàn như thế nào”.

Liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 174 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, quá trình điều tra, Công an huyện Chư Pah đã xác định 5 đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Ngày 9/2, Công an huyện Chư Pah đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Trung, trú tại xã ĐakRơWa, Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum; A Đinh trú tại  phường Thắng Lợi. Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Wưn trú tại xã Hà Tây huyện Chư Pah vì vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Văn Trung là người trực tiếp cưa hạ cây rừng, đồng thời thuê A Đinh và Wưn dùng bò của gia đình kéo gỗ từ rừng xuống bờ sông, A Khyưn phụ với Trung cưa hạ cây rừng, Chưih phụ kéo gỗ và nấu cơm với giá thuê 180.000 đồng/người/ngày.

Bị can Nguyễn Văn Trung khai nhận: “Trước tết nguyên đán 3 tuần, làm cỏ bời lời xong thì 4 anh em đi làm.Em cắt hạ được 2 ngày thì Đinh và Wưn đưa bò của bà già trong rẫy đang còn ép xanh bời lời lên kéo xuống. Đinh và Wưn phát đường, kéo xuống. A Khươl có lên giúp được 3-4 ngày, A Khươl bị lực lượng chức năng phát hiện thì bọn em nghỉ cắt, trong lúc đó trong lán có Chưih làm cỏ bời lời và nấu cơm và lên phụ cắt đường 2 ngày là bị bắt”.

Vụ vi phạm các  quy định về khai thác, bảo vệ rừng và vụ trộm gỗ xảy ra tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah đang tiếp tục được Công an huyện Chư Pah điều tra làm rõ theo đúng luật định.

Đại tá Dương Văn Tuấn-Trưởng Công an huyện Chư Pah cho biết: “ Vụ án chúng tôi đang tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng để làm sao xử lý triệt để nội dung này. Vụ khai thác rừng trái phép đã vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng theo Điều 175 Bộ Luật Hình sự. Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức điều tra theo quy định”.

Sau vụ phá rừng đáng tiếc xảy ra tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý, hiện chủ rừng và các ngành chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp để bảo vệ hiện trường, đồng thời tìm phương án để vận chuyển và xử lý số gỗ khai thác trái phép một cách hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Quang-PCT UBND huyện Chư Pah cho biết: “Để xử lý cái này, chúng tôi sẽ có kế hoạch làm việc với huyện Kon Rẫy và đưa về huyện Kon Rẫy vì ở bên địa bàn Hà Tây về thì không có đường về nếu đưa về được thì chi phí rất cao cho nên chúng tôi cũng đã có kế hoạch, trao đổi với kiểm lâm Kon Tum, sẽ có buổi làm việc với huyện Kon Rẫy, ngành chức năng trên đó để làm sao đưa về bằng đường ngắn nhất, tập trung nhất và xử lý tang vật theo cơ quan điều tra, có nghĩa là đấu giá như thế nào đó để lấy giá trị nộp vào tài khoản tạm giữ, sau đó sẽ xử lý, chứ không tiêu hủy”.

Qua vụ việc trên cho thấy hiện có nhiều vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung và công tác quản lý, bảo vệ rừng ở những địa bàn giáp ranh nói riêng. Để hạn chế tình trạng xâm hại rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép một mặt các ngành chức năng và chủ rừng tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, mặt khác cần có những cơ chế chính sách phù hợp mới đảm bảo các nguồn lực để giữ rừng một cách bền vững. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!./.

Hà Đức-Thiên Thanh-R’Piên-Đặng Trà


Lượt xem: 118

Trả lời