Khó khăn trong công tác đào tạo nghề.

Cập nhật 03/6/2016, 13:06:07

 Những năm qua các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác đào tạo học viên có tay nghề cao, góp phần giải quyết bài tóan thừa thầy thiếu thợ. Thế nhưng hiện nay các đơn vị đào tạo đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh cũng như duy trì sĩ số học viên, nhất là hệ trung cấp nghề. Phản ánh tại  Trường Trung cấp Nghề An Khê.

 

Hàng năm, tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp nghề cho Trường Trung cấp Nghề An Khê là 100 học viên. Để thực hiện mục tiêu đề ra, vào thời điểm sau khi có kết quả xét tuyển tốt nghiệp của học sinh THPT, cán bộ của trường đến từng địa phương để tư vấn-hướng nghiệp, gửi thư mời các em vào học tại trường. Nhờ đó, những năm trước đây, số lượng học sinh vào học tại trường đã đạt được chỉ tiêu tỉnh giao, nhưng từ năm 2015 đến nay nhiều học viên đã không theo hết khóa học. Cụ thể trong khóa học 2015-2018, nhà trường tuyển được 124 học sinh học ở 4 lớp trung cấp nghề là công nghệ ô tô, cơ điện nông thôn, chăn nuôi gia súc-gia cầm và văn thư-hành chính. Tuy nhiên sau thời gian theo học thì đến nay đã có 27 em bỏ học.

           Ông Trần Văn Hải-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề An Khê cho biết: “Học viên ở đây đa số là gia đình của các em khó khăn, đối tượng không thuộc diện chính sách khi học hệ trung cấp nghề phải đóng học phí. Những học sinh đối tượng ưu tiên nhưng do không phải là học sinh học từ các trường dân tộc nội trú nên chỉ được hỗ trợ 140.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này được quy định từ năm 1998 nên không đủ trang trải chi phí ăn ở đi lại, môi trường học tập lại chưa thật sự tạo sức hút cho học viên. Bởi vậy, số lượng học sinh bỏ học ngày càng tăng. Bên cạnh đó, một số em học lực yếu khi vào học hệ trung cấp nghề phải học thêm văn hóa nghề cũng nảy sinh tâm lý chán nản dẫn đến nghỉ học”.

Không chỉ gặp khó trong việc duy trì sĩ số học viên mà hiện nay Trường Trung cấp nghề An Khê còn gặp nhiều khó khăn về trang-thiết bị thực tập. Hiện tại các lớp trung cấp nghề, trang-thiết bị thực hành chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Em Nguyễn Viết Dũng – Học viên lớp công nghệ ô tô- Trường Trung cấp Nghề An Khê nói: “Em học sửa chữa ô tô hơn 2 năm rồi. Học ở đây thì thầy giáo chỉ bảo tận tình, nhưng nhà trường còn thiếu nhiều thiết bị nên cũng hạn chế việc học thực hành của chúng em”

     Trước những khó khăn hiện nay, Trường Trung cấp Nghề An Khê đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành các cấp về chính sách ưu đãi cho học viên cũng như đầu tư thêm thiết bị thực hành cho người học. Nhà trường cũng đã đề ra giải pháp linh động, phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp để đào tạo học viên theo ngành nghề và theo nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, đẩy mạnh việc tư vấn giới thiệu việc làm để học viên ra trường là có việc làm ngay, nhằm thu hút học viên đăng ký học nghề, đảm bảo chỉ tiêu của tỉnh đã đề ra./.

 
 

Ngọc Ánh – Duy Linh


Lượt xem: 98

Trả lời