Khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh

Cập nhật 22/2/2017, 14:02:31

Như chúng tôi đã phản ánh , hiện các ngành chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý vụ việc phá rừng trái phép và trộm gỗ tại lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah một cách kiên quyết, đảm bảo các quy định của pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua vụ việc trên cho thấy, công tác quản lý và bảo vệ rừng ở những vùng giáp ranh giữa các địa phương với nhau đang gặp rất nhiều khó khăn và bất cập.

Tiểu khu 174 thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý- nơi diễn ra vụ phá rừng trái phép, chủ rừng đã phát hiện vào ngày 20/1/2017 nằm cách trung tâm xã Hà Tây, huyện Chư Pah hơn 20km. Đây là khu vực giáp ranh giữa huyện Chư Pah với huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum và thành phố Kon Tum. Để đến được khu vực này chủ yếu bằng đường mòn, đi bộ, địa hình rất hiểm trở. Các cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah và các ngành chức năng đã dựng các lán trại để ăn ở, sinh hoạt, làm nhiệm vụ giữa rừng trong điều kiện rất khó khăn và nguy hiểm, trong khi đó hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi và manh động. Những khúc gỗ này lâm tặc đã đốn hạ trên đỉnh núi sau đó dùng bò để kéo xuống nơi tập kết rồi dùng xe độ chế vận chuyển sang địa bàn tỉnh Kon Tum thì bị cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah phát hiện, ngăn chặn. Qua đây cho thấy lâm tặc đã dùng nhiều phương thức để khai thác rừng và vận chuyển gỗ trái phép.

Tại hiện trường vụ phá rừng và trộm gỗ tại lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý. Với địa hình rất hiểm trở như thế này mà lâm tặc đã khai thác và vận chuyển được gỗ ra khỏi rừng, điều này cho thấy phương thức hoạt động của lâm tặc rất tinh vi và manh động, đã gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ, nhân viên giữ rừng.

Ông Nguyễn Văn Thành- Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah cho biết: “Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh gặp rất nhiều khó khăn vì địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, lực lượng thì mỏng. Đơn vị đã đề xuất với cấp trên tăng cường lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh ngày càng tốt hơn”.

Lâm tặc thường lợi dụng vùng giáp ranh để khai thác gỗ trái phép vì đây là địa bàn rất hẻo lánh, khi bị chủ rừng và các ngành chức năng phát hiện thì nhanh chóng di chuyển người và gỗ sang địa bàn thuộc địa phương khác. Chính vì thế gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng, xử lý các vụ vi phạm.

Ông Trần Minh Hiển- Kiểm lâm địa bàn- Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah nói về những khó khăn khi tuần tra: “ Chúng tôi đi tuần tra chủ yếu đi bộ, địa bàn hẻo lánh, chia cắt bởi nhiều sông suối. Khi lâm tặc phát hiện các ngành chức năng thì chạy sang đất Kon Tum, chỉ cách địa bàn của xã Hà Tây bằng con suối nhỏ. Lâm tặc rất trắng trợn, manh động, nhiều thủ đoạn. Giữa huyện Chư Pah và một số địa phương của tỉnh Kon Tum có quy chế phối hợp nhưng khi phát hiện ra vụ việc xảy ra tại địa bàn giáp ranh ở xã Hà Tây thì hai bên không liên lạc với nhau được vì không có sóng điện thoại”…

Ông Nguyễn Ngọc Quang-PCT UBND huyện Chư Pah cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã ký kết, thực hiện quy chế phối hợp giữa huyện với các huyện trong tỉnh như: Ia Grai, Đak Đoa và với các huyện ngoài tỉnh như: Sa Thầy, Kon Rẫy thuộc tỉnh Kon Tum. Trước hết là rà lại những quy chế  phối hợp không còn phù hợp để bổ sung, còn những quy chế nào chưa thực hiện quy chế thì phối hợp xây dựng thực hiện quy chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa bàn vùng giáp ranh, xây dựng quy quy chế giữa 2 huyện, ngành chức năng kiểm lâm và giữa các xã vùng giáp ranh để làm sao quản lý được, tránh tình trạng như vừa qua. Tiếp tục các đợt truy quét, chốt chặn.

Qua thực tế trên cho thấy, để triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh tại huyện Chư Pah cũng như tại nhiều địa phương khác một cách hiệu quả một mặt chủ rừng và các ngành chức năng cần chủ động khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, mặt khác cần tăng cường lực lượng và các trang thiết bị, phương tiện. Hơn nữa, cần tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và các ngành chức năng ở các địa phương với nhau với các biện pháp quyết liệt để xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại đến rừng./.

Hà Đức- Thiên Thanh- R’Piên- Đặng Trà


Lượt xem: 468

Trả lời