Khi người DTTS làm nghề thợ xây

Cập nhật 11/10/2017, 08:10:39

Tại tỉnh Gia Lai, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động việc làm; người lao động sau đào tạo đã áp dụng những kiến thức vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, cũng như thực hiện chuyển đổi dần sang ngành nghề phi nông nghiệp.

Tại huyện Đak Đoa, trong số các nhóm nghề đã đào tạo, nghề xây dựng được nhiều thanh niên đồng bào DTTS chọn lựa theo học. Thực tế nghề xây tuy thu nhập không quá cao, nhưng đã giải quyết được thời gian nhàn rỗi, giúp bà con cải thiện thu nhập và từng bước vươn lên.

Nếu như trước kia, thật khó để có thể tìm những thanh niên người dân tộc thiểu số ở xã Ia Pết trong vai trò là người thợ xây. Trong vài năm trở lại đây, nghề xây đã phát triển tới hầu khắp các thôn, làng trên địa bàn xã. Nhìn những ngôi nhà xây kiên cố, kiến trúc cách tân, hoa văn bắt mắt này, ít ai dám tin đó là do chính các tổ, nhóm thợ trong làng tự tay làm nên. Sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề xây do xã và huyện phối hợp tổ chức, nhiều thanh niên các thôn, làng của xã Ia Pết giờ đã biết xây nhà ở kiên cố hoặc nhận xây các công trình theo hợp đồng với các cá nhân, đơn vị trong vùng…

Anh Nguyễn Phi Cưng, cán bộ LĐTB&XH xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Từ năm 2009 tới nay, chúng tôi mở nhiều lớp đào tạo nghề xây, hiện tại thành lập được 8 tổ xây dựng ở xã, khi các nhóm hết việc xây các công trình ở xã thì cũng ra nhận việc ở ngoài làm. Những hộ đây đa số là hộ nghèo, khi đi làm ở ngoài thì ngày công ổn định. Có công trình ở xã đấu thầu thì cũng ưu tiên cho nhóm thợ ở xã. Các nhóm được thành lập đa số là bà con, anh em trong dòng họ nên cũng rất đoàn kết”.

Anh Oih, làng Brê, xã Ia Pết có hơn 10 năm làm nghề xây và là trưởng nhóm thợ xây trong làng, nhóm của anh có gần 10 người. Nếu là công trình nhà ở cho bà con trong làng, trong xã, nhóm có thể đảm nhận làm trọn gói, còn khi làm cho các chủ thầu, tiền công mỗi người được trả gần 300.000 đồng/1 ngày, đây là mức thu nhập cao hơn so với tiền công đào bồn hay tỉa cành cà phê…

Anh Oih nói: “Mình làm thợ xây cũng lâu rồi, trước đây được tham gia học nghề xây tại xã, sau đó đi làm thuê cho người ta, theo phụ và xây được mấy năm thì có kinh nghiệm nên thành lập nhóm rủ ai có nghề thì cùng tham gia nhận làm các công trình trong làng, trong xã, có khi làm ở xã khác, như: Xã Trang, xã Glar… Mới đây nhóm nhận làm cho công trình y tế xã nữa. Còn hôm nay, anh em bà con không nhận làm ngoài mà tập trung làm nhà cho gia đình mình. Ngôi nhà này vợ chồng mong muốn lâu rồi, do tích góp mấy năm đi làm nên mới có tiền để xây, mình mừng lắm”.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đak Đoa, Gia Lai cũng nói: “Cái này theo chúng tôi thấy đào tạo theo ý nguyện của họ như vậy là hiệu quả. Hiện nay huyện cũng đang có hướng cùng với các doanh nghiệp đào tạo nghề, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi có hướng giới thiệu cho các doanh nghiệp từng tổ một để họ tuyển lao động, nhất là nghề xây”.

Song Nguyễn, Minh Vũ


Lượt xem: 55

Trả lời