Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017

Cập nhật 12/3/2017, 06:03:14

Tối qua ngày 10.3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên năm 2017 đã khai mạc tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lă k. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, đông đảo các vị khách quốc tế , các nhà sản xuất, chế biến cà phe trong và ngoài nước đã đến dự.
Về phía tỉnh Gia Lai, có các đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Với chủ đề “ Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”, Lễ hội năm nay hội tụ 3 chương trình quan trọng là: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6; Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 4 sẽ được diễn ra vào sáng 11.3.

Cà phê được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19 và được phổ biến nhân rộng vào nửa cuối thế kỷ 20 cho đến nay. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, đến nay cây cà phê đã phát triển mạnh nhất ở  Tây Nguyên với khoảng 600 ngàn ha, chiếm 94% tổng diện tích cả nước, trong đó Buôn Ma Thuột được xem là thủ phủ cây cà phê, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành cà phê vào sự phát triển kinh tế của đất nước và Thủ tướng cho rằng nói đến cà phê, không thể không nói đến tầm nhìn vươn lên giàu có của một trong những cao nguyên được thiên nhiên ưu đãi bậc nhất Châu Á mà nơi đây cà phê đã trở thành sinh kế quan trọng cho người dân Tây Nguyên.

Để ngành cà phê phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “ Hãy để chủ đề “Hội tụ tinh hoa văn hóa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển” không chỉ dừng lại là khẩu hiệu lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2017, tinh thần này cần trở thành kim chỉ nam cho chiến lược hành động, là công thức để thương hiệu cà phê Tây Nguyên lan tỏa khắp thế giới và đạt một vị thế tương xứng, đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững cho người nông dân trồng cà phê nói riêng và nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đối với bà con dân tộc thiểu số phải được hưởng lợi một cách tương xứng với công sức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên”.

Đến với đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên lần này, các đại biểu, nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, đông đảo du khách trong và ngoài nước một lần nữa lại say đắm với các chương trình nghệ thuật đặc sắc, trong đó đặc biệt ấn tượng là các tiết mục biểu diễn đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên được dàn dựng công phu do các nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây nguyên biểu diễn. Trong đó tỉnh Gia Iai có 80 nghệ nhân là đồng bào dân tộc Bah nar và JRai đến từ huyện Chư Pah và KBang. Đến với lễ hội cũng như nhiều nghệ nhân của các địa phương khác, các nghệ nhân đến từ tỉnh Gia lai rất phấn khởi:

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mut, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai cho biết: “Tham gia vào Lễ hội đoàn nghệ nhân của mình rất phấn khởi. Thấy lễ hội rất vui, đoàn mình cũng tham gia một số tiết mục trong lễ khai mạc hôm nay”.

Nghệ nhân Đinh Prang, huyện KBang, tỉnh Gia Lai cũng chia sẻ: “Mình rất vui được tham gia Lễ hội lần này tại Buôn Ma Thuột. Đến đây từ mấy ngày hôm nay rồi, vui vẻ, rộn ràng lắm”.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên  không chỉ là sự kiện đơn thuần để quảng bá cà phê Buôn Ma Thuột mà còn là sự tương tác giới thiệu bản sắc riêng vốn có của không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và mở rộng cơ hội hợp tác thúc đẩy đầu tư vào Tây Nguyên.

Hồng Uyên, R’Piên


Lượt xem: 38

Trả lời