Kbang bảo tồn di sản văn hóa và khơi dậy tiềm năng du lịch cộng đồng

Cập nhật 17/6/2019, 07:06:20

Làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng là Làng Văn hóa tiêu biểu của huyện Kbang. Năm 2018, Mơ Hra được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là 1 trong 3 làng trên cả nước để triển khai Dự án “Di sản kết nối” nhằm góp phần bảo tồn bền vững các di sản và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Di sản âm nhạc cồng chiêng đã được hình thành từ lâu đời, các hoạt động đan lát và dệt thổ cẩm được duy trì trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân làng. Thế nhưng làm thế nào để đưa những tiềm năng đó trở thành sinh kế không chỉ là mục tiêu của Dự án Di sản kết nốihướng tới và cũng là trăn trở bấy lâu nay của dân làng nơi đây.

Gìa làng Đinh Hmưnh, Làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Những già làng như tôi luôn mong muốn truyền dạy cho con cháu cách đánh cồng chiêng, về múa xoang, việc duy trì đan lát và dệt thổ cẩm để nó không bị mai một. Nay được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ để phát triển du lịch, dân làng phấn khởi lắm.Chúng tôi cũng mong Đảng và Nhà nước hỗ trợ nhân dân biết cách làm ra các sản phẩm có thể bán được trên thị trường để góp phần cải thiện đời sống”.

Được biết, giai đoạn 1 của Dự án “Di sản kết nối”,tại làng Mơ Hra đã được xây dựng 1 khu nhà rông truyền thống cùng với hơn 60 hiện vật đặc trưng cho đời sống sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của người Bahnar. Bước sang giai đoạn 2, sẽ thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng của làng. Hiện tại đây đã có 5 nhóm nghề được hình thành, từng bước nâng cao hơn các kỹ năng đan lát, dệt thổ cẩm cho người Bahnar.

Chị Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cho biết: “Các bộ trang phục hoặc gùi truyền thống chẳng hạn thì nó rất là to, mà khách du lịch mua về cũng không sử dụng được để làm gì. Vậy thì mình có ý tưởng là sẽ hướng dẫn người dân làm những sản phẩm bé, phục vụ khách du lịch mua làm quà cho người thân và bạn bè. Sau khi mình có những ý tưởng như thế thì mình quay về họp cho bà con thì bà con rất đồng tâm muốn học và muốn làm. Khi mình hết công việc đào tạo, tập huấn ở đây thì mình mong là bà con lúc đấy sẽ tự tay làm những sản phẩm được học hỏi và còn phát triển nó lên được tốt đẹp hơn nữa”.

Để làm du lịch cộng đồng, làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng đã vận động được gần 100 người dân tham gia, đặc biệt khung dệt thổ cẩm nhỏ gọn đã thay thế hoàn toàn cho bộ khung lớn, cũ nên thu hút được nhiềungười đến với nghề dệt thổ cẩm. Từ đó, sản phẩm truyền thống của làng cũng đã mang hơi hướng hiện đại và có tính ứng dụng cao hơn.

Ông Đinh Đình Chi, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kbang, Gia Lai cũng cho biết: “Mơ Hra là 1 trong những điểm để tổ chức, gắn kết các tuor du lịch trên địa bàn huyện. Điểm của Mơ Hra tập trung chủ yếu để giữ du khách ở lại, cùng tham gia, sinh hoạt, tìm hiểu về đời sống văn hóa của người Bahnar ở làng nói riêng và đặc biệt là đại diện cho người Bahnar khu vực phía nam trên toàn huyện nói chung. Hiện nay huyện cũng đang quan tâm mở rộng diện tích phía sau khu trung tâm làng Mơ Hra, nhân dân cũng đã đồng tình rồi. Sau khi diện tích này được mở rộng quy hoạch thì tại đó sẽ xây dựng 1 mô hình làng du lịch cộng đồng, ở đó phản ánh, tái hiện toàn bộ hoạt động của 1 làng Bahnar thu nhỏ về đời sống sinh hoạt, cuộc sống đời thường của người dân và một số hoạt động nghề được diễn ra tại đó”.

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng và các tiềm năng sẵn có như di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đang là mục tiêu huyện Kbang hướng đến. Nhưng trên hết vẫn cần khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ, bởi chính họ giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn di sản và làm nên không gian văn hóa truyền thống Bahnar- động lực cho phát triển du lịch cộng đồng./.

CTV Hà Duyệt (Huyện Kbang)


Lượt xem: 29

Trả lời