Huyện Ia Grai với công tác kiểm kê và bảo tồn các giá trị của cồng chiêng

Cập nhật 15/9/2020, 09:09:57

Theo kết quả rà soát năm 2008, toàn tỉnh có 5.655 bộ cồng chiêng với gần 80% số làng có cồng chiêng. Nhằm đánh giá hiện trạng và đặc biệt là không gian sinh tồn của cồng chiêng tại các buôn, làng sau hơn 10 năm rà soát cũng như sau 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, từ tháng 3 đến nay, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tiến hành đợt tổng kiểm kê cồng chiêng với quy mô được xem là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Ghi nhận tại huyện Ia Grai – Địa phương sở hữu nhiều bộ công chiêng nhất tỉnh năm 2008 với hơn 1.100 bộ.

Theo kết quả rà soát năm 2008, toàn xã Ia O có 520 bộ cồng chiêng, trong đó có 215 bộ chiêng quý. Một điều đáng mừng là 9/9 làng trên địa bàn xã biên giới này đều có đội cồng chiêng và từ bao đời nay, cồng chiêng như là 1 tài sản thiêng liêng, vô giá của nhiều gia đình nên được bà con cất giữ rất cẩn thận. Đặc biệt, sau những vụ bị mất trộm cồng chiêng, bà con càng cẩn trọng hơn trong việc trông giữ và chỉ cho những người quen biết xem.

Ông Ksor Mơnh – Làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “Cồng chiêng này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân chúng tôi và là báu vật vô giá nên gia đình cất giữ kỹ lắm, những người lạ thì thường chúng tôi không cho xem đâu.

Ông Rơ Mah Hyiu – Cán bộ Văn hóa xã Ia O, huyện Ia Grai cũng cho biết: “Bà con rất quan tâm bộ cồng chiêng của mình nên đa số cất kỹ. Người lạ mặt bà con không cho xem. Kiểm kê cồng chiêng đi lại khó khăn, dân không phải lúc nào cũng có ở nhà, lúc mình đến lúc sáng, trưa hay tối thì họ đi vắng. Qua phải chào hỏi xong nói sơ bộ với gia đình thì mình mới vào được nhà xem kỹ. Đến thời điểm này đã điều tra, kiểm kê được 260 bộ chiêng, có 62 bộ chiêng quý, còn lại là chiêng thường”.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng đã phần nào ảnh hưởng đến công tác rà soát, kiểm kê hiện trạng cồng chiêng tại các thôn, làng trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Tuy nhiên với đặc thù của địa phương có đông người DTTS sinh sống và còn lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất tỉnh nên thời gian qua, huyện Ia Grai đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt và các lễ hội của địa phương.

Ông Nguyễn Khắc Hùng – Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin, huyện Ia Grai cho biết: “Huyện rất quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, Huyện ủy đưa vào nghị quyết và trên cơ sơ đó UBND huyện xây dựng kế hoạch, chương trình để thực hiện, tuyên truyền bà con giữ gìn, phát huy giá trị của công chiêng. Đặc biệt là hạn chế, kiểm soát việc buôn bán cồng chiêng trên địa bàn./ Đến nay đã tổ chức kiểm kê cơ bản gần xong, xã Ia O còn 4 làng chưa kiểm kê xong. Qua kết quả sơ bộ có 403 bộ cồng chiêng, xã Ia O đã thống kê 5 làng có hơn 200 bộ, hiện có tổng cộng hơn 600 bộ cồng chiêng”.

Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ia Grai đang phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn tất công tác kiểm kê cồng chiêng trên địa bàn nhằm đảm bảo tiến độ rà soát theo quy định của Sở VH-TT&DL. Kết quả từ việc rà soát, kiểm kê đối sánh với số liệu kiểm kê năm 2008 sẽ là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng để huyện Ia Grai tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong nhịp sống hiện đại./.

Thiên Thanh,  Phi Long


Lượt xem: 79

Trả lời