Hướng đến phát triển chanh dây bền vững

Cập nhật 04/8/2022, 16:08:00

Chanh dây là loại cây trồng được thị trường xuất khẩu ưa chuộng và được đánh giá có thể mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Tỉnh Gia Lai cũng đang định hướng phát triển và mở rộng diện tích loại cây trồng này tại một số địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chanh dây của tỉnh đạt khoảng 20 ngàn ha và đến năm 2030 là 30 ngàn ha. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tập trung quy hoạch vùng trồng chanh dây, tỉnh cũng đang hướng đến việc xây dựng các chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất loại cây trồng này.

Một buổi tham quan dành cho đại diện các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức tại Trung tâm Sản xuất giống cây trồng chất lượng cao của Công ty Cổ phần Quốc Tế Thông Đỏ tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Trung tâm Sản xuất cây giống chanh dây này được xây dựng theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên với năng lực sản xuất đạt 5 triệu cây giống/năm. Đây cũng chính là đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai lựa chọn là đơn vị đóng vai trò cung ứng giống và cung cấp kỹ thuật để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chanh dây được Sở thành lập. Hoạt động tham quan này được tổ chức với mục đích giúp bà con nông dân hiểu rõ hơn về quy trình thực hiện chuỗi liên kết cũng như năng lực của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi. Qua đó, có thể yên tâm để tham gia vào mô hình liên kết này.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai  cho biết: “Hiện tại HTX đang hoạt động trên lĩnh vực chủ lực là cây chanh dây. Khi bắt đầu làm theo chuỗi giá trị của sản phẩm này thì HTX cũng đã có chủ trương liên kết từ cây giống đến đầu ra. Nếu như có thể kết hợp với nhau để liên kết thì rất tốt  cũng mong tỉnh, sở nông nghiệp cố gắng hỗ trợ cho HTX cùng theo hướng phát triển bền vững như thế này”.

Chuỗi liên kết chanh dây do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thành lập sẽ được xây dựng theo mô hình khép kín từ khâu cung ứng giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đóng vai trò là đơn vị triển khai trồng thông qua việc kêu gọi các hợp tác xã tham gia, hỗ trợ thủ tục cấp mã số vùng trồng; Trung tâm Sản xuất giống cây trồng chất lượng cao của Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ là doanh nghiệp cung ứng giống chanh dây chất lượng, tư vấn kỹ thuật trồng; Công ty Cổ phần Tiến Nông Gia Lai cung ứng phân bón chăm sóc chanh dây; Công ty TNHH Quicornac sẽ tiêu thụ sản phẩm chanh dây do các hợp tác xã trồng theo kế hoạch từ nay đến năm 2026.

Ông Y Nguyên Ê Nuôl, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Mục tiêu của mô hình liên kết cây chanh dây là làm sao có sự hợp tác liên kết về lĩnh vực chanh dây một cách bền vững. Thứ nhất là có doanh nghiệp đứng đầu là doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, doanh nghiệp sản xuất giống và một số hợp tác xã là người nông dân sản xuất để có sự thoả thuận hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chanh dây một cách bền vững”.

Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất chanh dây sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nông dân khi tham gia phát triển loại cây trồng này. Theo đó, nông dân được đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, tránh được rủi ro khi sản xuất tự phát và sử dụng nguồn giống không đảm bảo, không theo quy trình dẫn đến sâu bệnh, năng suất kém. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất sẽ góp phần quy hoạch vùng trồng chanh dây, cấp mã vùng trồng để phục vụ truy xuất nguồn gốc cho việc xuất khẩu quả tươi qua Trung Quốc; tạo vùng nguyên liệu an toàn và chủ động cho nhà máy chế biến.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng Bộ phận thu mua, Công ty TNHH Quicornac, Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku cho biết: “Đặt nhà máy tại Gia Lai là doanh nghiệp đã xác định vùng nguyên liệu chính của doanh ngiệp là ở đây, với chất lượng và sản lượng đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định. Sản lượng thu mua trung bình 1 tuần thu mua khoảng 1 ngàn tấn, đảm bảo vùng nguyên liệu của bà con sản xuất ra sẽ được doanh nghiệp thu mua. Sắp tới sẽ mở rộng chuỗi liên kết nhằm tạo giá trị bền vững lâu dài cho chanh dây”.

Với nhiều lợi thế để phát triển, Gia Lai đang là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích cây chanh dây với trên 4 ngàn 400 ha, với năng suất bình quân đạt khoảng 36,2 tấn/ha, sản lượng đạt gần 110.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ mở rộng diện tích chanh dây lên 20 ngàn ha vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 30 ngàn ha. Do đó, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chanh dây với sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, nông dân và ngành chức năng sẽ là hướng đi bền vững để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia. Từ đó, góp phần quy hoạch vùng trồng chanh dây phục vụ xuất khẩu quả tươi cũng như sản phẩm chanh dây qua chế biến.

 Ngọc Hà, Phi Long


Lượt xem: 23

Trả lời