Hội viên Hội Cựu chiến binh tạo việc làm cho người lao động

Cập nhật 29/9/2023, 07:09:45

Thời gian qua, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh trong tỉnh Gia Lai đã xây dựng được những mô hình sản xuất không chỉ làm giàu cho bản thân mà qua đó còn hỗ trợ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Công ty TNHH một thành viên An Khánh Gia Lai tại thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa do cựu chiến binh Lê Văn Khánh làm chủ chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng từ chanh dây là một trong những điển hình về phát triển kinh tế hiệu quả. Tùy thời điểm, Công ty của CCB Lê Văn Khánh tạo việc làm 40 – 60 lao động là con em hội viên cựu chiến binh và người dân tộc thiểu số trên địa bàn với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 8 triệu đồng/lao động. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và giải quyết việc làm cho nguồn lao động địa phương.

Chị Trần Thị Thu Thuận – Xã Trang, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Tôi làm ở đây được 2,5 năm. Thu thập hàng tháng 7 – 8 triệu. Nhờ có công việc này mà cuộc sống của tôi khá hơn.”

Cũng từng bôn ba khắp nơi nên CCB Lê Văn Khánh hiểu cuộc sống của người lao động. Chính vì vậy, ông luôn tâm niệm nếu mình quan tâm, chăm lo đời sống thì họ cũng sẽ toàn tâm, toàn ý cho công việc. Nên ngoài đảm bảo thu nhập hàng thàng, bất cứ người lao động nào trong Công ty gặp khó khăn đều được ông Khánh hỗ trợ, giúp đỡ.

CCB Lê Văn Khánh – Thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa cho biết: “Đầu tiên tôi có mua lại của bà con đã để đưa sang Trung Quốc, Khi đưa sang Trung Quốc thì cũng có quen một số người bạn hàng, từ những người bạn đấy tôi có tìm hiểu về nước của quả chanh dây rồi tìm hiểu vềcái vỏ của quả chanh dây. Từ các mô hình đấy thì tôi bắt đầu huy động anh em, bạn bè vay vốn để mở nhà xưởng này tạo công ăn việc làm cho bà con và cũng có lợi nhuận trong đó.”

 CCB Hoàng Văn Tứ là Chủ nhiệm CLB Sản xuất, kinh doanh giỏi xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Sinh ra và trưởng thành tại tỉnh Ninh Bình, năm 2002, sau một lần vào thăm người thân tại Gia Lai, CCB Hoàng Văn Tứ nhìn thấy tiềm năng phát triển kinh tế nên đã quyết định định cư và kinh doanh buôn bán cây giống tại xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Hiện nay, cơ sở kinh doanh của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài ra, ông còn thường xuyên hỗ trợ  nông dân địa phương kỹ thuật trồng trọt cũng như cây giống để người dân nơi đây có thể áp dụng tại gia đình, từ đó góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm của bà con người DTTS .

CCB Hoàng Văn Tứ – Chủ nhiệm CCB Sản xuất, kinh doanh giỏi xã Hòa Phú, huyện Chư Păh chia sẻ: “Tôi nhìn thấy được vùng đất Tây Nguyên rất màu mỡ mà cây phát triển nông nghiệp thì bà con đang cần thì tôi bàn với gia đình quyết định vào Tây Nguyên. Vào đây thì chúng tôi chủ yếu sản xuất cây giống để phục vụ bà con. Trong những khi bà con không có tiền mua cây cũng tôi vẫn phục vụ cho bà con, đến mùa có tiền thì lại hoàn trả cho tôi, tôi không lấy lãi của bà con. Và tôi sẽ tạo điều kiện cho bà con ở trong làng là làm ngày công 200.000/ ngày, làm thêm nữa tôi trả 250.000 bà con cứ thế là ra làm. Làm cho tôi thì tôi còn hướng dẫn kỹ thuật để bà con làm ở nhà, rồi còn nhân rộng ra cho các làng khác, họ làm theo kỹ thuật tôi chỉ, họ thấy cây phát triển tốt …”

Anh Rơ Chăm Than – Làng Bắc, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh nói: “Tôi làm việc tại chỗ chú Tứ cũng được 1 năm rồi, thu nhập hàng tháng cũng được 4, 5 triệu cũng đủ để trang trải cuộc sống, kinh tế gia. Ở đây còn được chú dạy cho kỹ thuật trồng trọt.”

CCB Hoàng Văn Tứ và CCB Lê Văn Khánh là 2 điển hình trong nhiều tấm gương sáng về sản xuất giỏi và tạo việc làm cho người dân địa phương. Theo báo cáo của Hội CCB tỉnh Gia Lai, hiện nay, toàn tỉnh hiện có 71 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, 06 tổ hợp tác, 420 trang trại, 5.564 gia trại, 1.049 hộ kinh doanh dịch vụ do Hội viên CCB làm chủ, qua đó đã tạo việc làm cho 15.822 lao động là con em cựu chiến binh, cựu quân nhân và lao động tại chỗ..

Linh Chi – Huy Toàn


Lượt xem: 11

Trả lời