Hội thảo khoa học: “Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay”

Cập nhật 12/11/2023, 18:11:08

Nằm trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023, chiều nay (12/11), tại Hội trường 2/9, TP. Pleiku, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh uỷ Gia Lai phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Giang – Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu rõ: Hội thảo là cơ hội, là dịp quan trọng để Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương; đồng thời bày tỏ kỳ vọng tại Hội thảo này, các đại biểu quan tâm trao đổi, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn thực trạng du lịch của vùng Tây Nguyên, nhất du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; trên cơ sở đó, đưa ra các kiến nghị, giải pháp để khai thác các tiềm năng, phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu: “Nghị quyết số 23, ngày 6/10/ 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 152, ngày 15/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 đã xác định: Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước; trong đó có mục tiêu xây dựng Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Với tiềm năng, thế mạnh về du lịch, mỗi tỉnh Tây Nguyên đều có những địa danh nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến; đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã trở thành nguồn lực để phát triển du lịch Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay. Cũng như các tỉnh trong khu vực, Gia Lai là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế, có nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, nhiều di tích văn hóa – lịch sử, các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo; trong đó nổi bật như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Biển Hồ, Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, Thủy điện Ia Ly, Chùa Minh Thành; Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê được công nhận là Bảo vật quốc gia… Tổng hòa những đặc điểm về thiên nhiên và lịch sử, văn hóa đặc sắc là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch lịch sử – văn hóa, nhằm góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, cải thiện đời sống, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng qua Hội thảo này, các đại biểu sẽ quan tâm trao đổi, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn về những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế, nhận diện những cơ hội, thách thức và làm rõ thực trạng, từ đó đề xuất các định hướng giải pháp và kiến nghị chính sách phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong thời gian tới; góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.”

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo do Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày nêu rõ: Ngày nay, du lịch đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa là các loại hình du lịch đang trở thành xu hướng phát triển du lịch bền vững ở nước ta nói riêng và cả thế giới nói chung. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước với những nét đặc trưng riêng về vị trí địa lý, vị trí kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng. Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên với khí hậu ôn hòa và nhiều danh lam thắng cảnh hùng vỹ, Tây Nguyên còn là vùng đất có sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam cùng cư ngụ, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ … Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi: Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 450 di tích các loại ; trong đó có 59 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, phát triển du lịch nói chung, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá nói riêng vùng Tây Nguyên hiện vẫn thiếu ổn định, chưa bền vững và tương xứng với tiềm năng. Do đó, tại Hội thảo này, mong muốn các đại biểu phân tích, đánh giá và đưa ra nhiều giải pháp để đưa du lịch sinh thái, du lịch văn hóa vùng Tây Nguyên phát triển bền vững.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hội thảo mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cùng thảo luận làm rõ vấn đề lý luận chung, đánh giá thực trạng phát triển du lịch văn hoá và du lịch sinh thái, cùng tìm ra giải pháp, đề xuất kiến nghị nhằm phát triển bền vững du lịch văn hoá và du lịch sinh thái trong thời gian tới. Cụ thể đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề sau: Một là, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững du lịch văn hoá và du lịch sinh thái; đặc biệt cần làm rõ mối quan hệ giữa du lịch văn hoá và du lịch sinh thái; phân biệt rõ hơn về sự tương đồng cũng như sự khác biệt giữa du lịch văn hoá và du lịch sinh thái để từ đó thống nhất nhận thức, tư duy; qua đó làm cơ sở cho việc ban hành, thực thi chính sách để thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch này. Đồng thời cần làm rõ về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững du lịch văn hóa, du lịch sinh thái? Hai là, đặt trong bối cảnh mới hiện nay, hội thảo cần nhận diện được các tiềm năng, các lợi thế cũng như những cơ hội và thách thức trong phát triển bền vững du lịch văn hoá và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.  Ba là, đánh giá, làm rõ thực trạng phát triển bền vững du lịch văn hoá và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên; từ đó chỉ ra những khó khăn, bất cập và những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững du lịch văn hoá và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên? Bốn là, đề xuất các giải pháp và kiến nghị về cơ chế, chính sách có tính đột phá nhằm phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên và của Gia Lai đến 2030, tầm nhìn 2045.”

Theo báo cáo, Ban tổ chức đã tiếp nhận và tuyển chọn hơn 50 bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị khu vực III; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai; các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trường Chính trị; sở, ban, ngành của Gia Lai và các tỉnh vùng Tây Nguyên, gồm: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Các tham luận gửi đến Hội thảo và các ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội thảo đã nêu rõ quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; đồng thời, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến – Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên nêu: “Chúng tôi cũng có một số khuyến nghị mang tính chính sách giúp cho Hội thảo chúng ta có những giải pháp trong thời gian tới. Như là: Tăng trưởng kinh tế cho cộng đồng địa phương bằng cách đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch chính phục vụ cho phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; Phát triển văn hóa xã hội thể hiện qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng gắn với việc mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương; thực hiện nguyên tắc bảo vệ môi trường thông qua việc chú trọng quản lý bền vững tài nguyên và thực hiện nguyên tắc bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng bền vững và tăng cường đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thông qua việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, cở sở hạ tầng du lịch phục vụ cho phát triển du lịch dựa vào cộng đồng với sự tham gia của cộng đồng địa phương.”

Trình bày tham luận tại Hội thảo, đồng chí Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã đưa ra quan điểm, định hướng phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, cùng với đánh giá về tiềm năng, thực trạng phát triển ngành du lịch của địa phương trong thời gian qua thì đã nêu rõ những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh Gia Lai trong việc đầu tư khai thác, phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái với mục tiêu đến năm 2025 thu hút 1,7 triệu lượt khách với tổng doanh thu từ du lịch là 900 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 4,2 triệu lượt khách với tổng doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng.

Đồng chí Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói: “Bám sát Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chương trình số 43 của BTV Tỉnh ủy thì UBND tỉnh chúng tôi xác định các mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đó là: Tỉnh tập trung phát huy những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về cảnh quan, môi trường, lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa, các giá trị văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng (di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại) để khai thác và tổ chức các loại hình du lịch sinh thái gắn với thể thao, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch lễ hội cồng chiêng, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp. Tỉnh sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, có chính sách, cơ chế tăng cường xã hội hoá đầu tư phát triển du lịch. Tập trung phát triển du lịch phải đảm bảo quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại; đồng thời chú trọng bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái. Tỉnh sẽ tập trung phát triển đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở tích cực khai thác mọi tiềm năng có thể nhưng phải bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững và đặt phát triển du lịch Gia Lai trong mối quan hệ mật thiết liên vùng, gắn kết với các tuyến điểm du lịch của khu vực, quốc gia và quốc tế. Về mục tiêu tổng quát, tỉnh xác định xây dựng phương án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thời kỳ 2021 – 2030 với mục tiêu đến năm 2030 và những năm tiếp theo xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm du lịch về nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe và rèn luyện thể lực, thể dục thể thao; phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.”

Sau phần tham luận, thảo luận, tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam; các đơn vị quản lý văn hóa, du lịch của tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Trường Đại học Tây Nguyên và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đã cùng thảo luận bàn tròn về các vấn đề: Định vị sản phẩm và liên kết xúc tiến quảng bá nhằm phát triển bền vững du lịch vùng Tây Nguyên; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch văn hóa và du lịch sinh thái của tỉnh Gia Lai; Phát huy giá trị văn hóa bản địa Đắk Lắk trong phát triển du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên; Phát triển du lịch thám hiểm hệ sinh thái vườn quốc gia vùng Tây Nguyên – thực trạng và giải pháp và Phát huy tiềm năng di sản văn hóa các dân tộc tại chỗ để phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: Các tham luận gửi tới Hội thảo và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho thấy Tây Nguyên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch; nhất là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã quan tâm và đầu tư khai thác, phát triển và đã hình thành được nhiều điểm, tour, tuyến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, qua các tham luận cũng cho thấy phát triển du lịch ở Tây Nguyên chưa tương xứng tới tiềm năng. Do đó, để phát triển bền vững du lịch vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi, cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa và có những cơ chế, chính sách để khơi thông những điểm nghẽn; đặc biệt là thu hút được chính cộng đồng các dân tộc cùng tham gia.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về phát triển bền vững du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đồng thời định hướng cho những hoạt động thực tiễn nhằm chuyển tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch. Hoàn thiện các chủ trương, chính sách tạo động lực phát huy vai trò của cộng đồng dân cư và cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huy động, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; nhất là nguồn lực tại chỗ, nguồn nhân lực từ đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhắm thu hút du khách; đồng thời tăng cường liên kết trong phát triể kinh tế cũng như trong phát triển bền vững du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.”

Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp và chắt lọc để đề xuất kiến nghị với các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên về các giải pháp đột phá nhằm phát triển bền vững du lịch văn hoá, du lịch sinh thái trong bối cảnh mới./.

Đức Hải – Thanh Sáng  Huy Toàn


Lượt xem: 21

Trả lời