Học sinh khám phá lịch sử – văn hóa qua hoạt động trải nghiệm

Cập nhật 19/1/2024, 06:01:14

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chú trọng triển khai hoạt động trải nghiệm để nội dung giáo dục không bị bó hẹp trong sách vở mà gắn liền với thực tiễn. Tùy vào điều kiện thực tế và đặc thù của từng cấp học, các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường; tổ chức các chuyến đi thực tế góp phần vun đắp tình yêu quê hương, giúp các em biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.

Lần đầu tiên được đến với thành phố Pleiku trong chuyến hành trình tham quan trải nghiệm di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh là một trải nghiệm thực tiễn đầy hào hứng và thú vị của hơn 160 học sinh Trường THCS Trường Chinh ở xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Biển Hồ, Bảo tàng Quân đoàn 3 là những điểm đến trong hành trình tham quan, tìm hiểu, học tập của học sinh Trường THCS Trường Chinh. Trong 1 ngày tham gia chuyến trải nghiệm với chủ đề “Truyền thống về nguồn”, không chỉ được ngắm thành phố Pleiku với những thắng cảnh đẹp mà các em còn được khám phá không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai” với nhiều giá trị di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên được trưng bày ngay tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Bảo tàng tỉnh Gia Lai – điểm đến trong hành trình tìm hiểu, học tập lịch sử địa phương của các thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường, các em rất hào hứng khi được nghe thuyết minh về những tư liệu, hiện vật, những hình ảnh, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ, được tận mắt thấy những hiện vật, hình ảnh truyền thống có giá trị lịch sử qua các thời kỳ. Mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh sẽ kể câu chuyện lịch sử, văn hóa theo một cách riêng, sinh động, tạo niềm hứng thú và để lại ấn tượng sâu sắc trong nhận thức của học sinh. Nếu các số liệu, sự kiện trong sách giáo khoa khiến các em khó ghi nhớ thì những hình ảnh, hiện vật, mô hình trực quan tại bảo tàng cùng những câu chuyện liên quan đã hấp dẫn các em hơn rất nhiều từ đó khơi dậy niềm tự hào về lịch sử – văn hóa truyền thống của địa phương.

Em Siu H’Duyên – Trường THCS Trường Chinh, huyện Phú Thiện bày tỏ: “Hôm nay trường cho em được đi hoạt động trải nghiệm em thấy rất vui và rất háo hức khi được tham quan nhiều nơi.”

Em Lưu Thị Linh My – Trường THCS Trường Chinh, huyện Phú Thiện vui vẻ nói: “Em thấy rất thú vị và mở mang kiến thức. Chúng em có 1 ngày trải nghiệm thật vui vẻ, ý nghĩa, về trường em sẽ lan tỏa thông tin quý giá này cho các bạn trong trường.”

Siu H’Chi – Trường THCS Trường Chinh, huyện Phú Thiện chia sẻ: “Hôm nay em cảm thấy may mắn được tham gia hoạt động trải nghiệm này. Điểm đến đầu tiên là quân đoàn 3 và điểm đến thứ 2 là Biển Hồ và điểm đến thức 3 là Thiên đường Tây Nguyên và Bảo tàng tỉnh. Đây là lần đầu tiên em được tham gia trải nghiệm, lần đầu tiên được đến với thành phố Pleiku.”

Với đặc thù của trường học nằm ở địa bàn còn khó khăn, không có điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, song nhà trường cũng chú trọng tổ chức hoạt đông trải nghiệm đưa học sinh tham quan, học tập ngoại khóa tại thành phố Pleiku để các em được trải nghiệm thực tế và có thêm những kiến thức về địa lý, lịch sử, văn hóa của địa phương mình đang sinh sống.

Thầy giáo Đoàn Văn Hiệp – Hiệu trưởng Trường THCS Trường Chinh, huyện Phú Thiện cho biết: “Với 1 địa bàn như chúng tôi, 88% học sinh người DTTS điều kiện kinh tế khó khăn, không những rèn luyện kỹ năng trong học tập, giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức truyền thống dân tộc cho các cháu, tăng cường các hoạt động bằng hình thức đa dạng về hình thức trải nghiệm, mở rộng hơn những kiến thức ngoài vấn đề sách vở.”

Buổi trải nghiệm thực tế với những điểm đến thú vị và sinh động này đã khơi gợi trong học sinh nhiều cảm nhận. Đây là bài học thực tế giúp các em hiểu hơn về văn hóa – lịch sử của địa phương, từ đó các em học sinh được bồi đắp niềm yêu thích, khám phá kiến thức mới mẻ ngoài sách vở, góp phần nhân lên tình yêu quê hương, đất nước; nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống của đất và người Gia Lai, giúp các em biết trân trọng và có những nhận thức sâu sắc hơn về di sản của quê hương, để từ đó có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử của nơi mình sinh sống.

Kim Châu – Bá Bính


Lượt xem: 22

Trả lời