Gian nan con đường mưu sinh

Cập nhật 18/8/2016, 14:08:44

Trước tình trạng khó khăn khi tìm việc làm thích hợp sau khi tốt nghiệp ra trường, nhiều cử nhân trẻ đã vượt lên mọi trở ngại, tự tìm cho mình con đường mưu sinh bằng chính thực lực và bản lĩnh. Mặc dù vẫn còn nhiều gian nan nhưng cách mà họ lập nghiệp đều rất đáng khâm phục và khiến nhiều bạn trẻ ngày nay phải suy ngẫm.

 

18.8 gian nan

Tốt nghiệp đại học ngành chế biến, bảo quản thực phẩm của trường Đại học Nông lâm TP. HCM đã được 4 năm nhưng đến nay vẫn không tìm được việc làm ổn định, anh Đặng Đình Tấn, ở thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh quyết định đầu tư chăn nuôi gà giống. Gác lại mọi ước mơ và từ kiến thức được học, điều anh quan tâm bây giờ là làm thế nào để nuôi sống gia đình nhỏ của mình. Bởi vợ anh, một cử nhân ngành sư phạm, cũng đã ra trường được nhiều năm mà không xin được việc làm. Bây giờ, mơ ước của anh là xây dựng được một trang trại chăn nuôi gà có quy mô để cung cấp các loại gà giống, gà thịt cho người dân tại huyện Chư Păh. Trang trại chăn nuôi của anh tuy còn khiêm tốn nhưng có nhiều giống tốt, lại đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc, được phòng bệnh chặt chẽ ngay từ những ngày đầu, được nhiều người tin tưởng tìm mua.

Anh  Tấn cho biết: “Đi học đại học 4 năm, tốt nghiệp ra trường mình cũng mơ ước nhiều lắm, mong tìm được công việc ổn định, lương kha khá, nhưng mà rồi tìm mãi cũng không có việc như mình mong muốn nên cũng nản. Đành ở nhà làm nông. Bây giờ chủ yếu là mình đầu tư vào chăn nuôi gà, cung cấp gà giống, gà thịt cho các chợ. Công việc cũng ổn định, chẳng liên quan gì đến chuyên ngành mình học nhưng mình lại nuôi sống được gia đình mình”.

Cùng hoàn cảnh ra trường nhiều năm nhưng không tìm được việc làm như anh Tấn, anh Nguyễn Văn Tiến, huyện Chư Pưh cũng đang ấp ủ cho mình dự án phát triển trang trại trồng nấm với nhiều loại nấm mà thị trường ưa chuộng. Cầm tấm bằng đại học, sau nhiều năm bôn ba vẫn không ổn định được cuộc sống anh Tiến đã học  nghề trồng nấm của một người quen để kiếm sống. Nhờ có sự ủng hộ của bố mẹ cùng với đất đai sẵn có, anh Tiến đã xây dựng mô hình trang trại trồng nấm có quy mô lớn. Trong đó, ngoài những loại nấm quen thuộc như nấm rơm, nấm sò, anh đã học tập kỹ thuật trồng nấm hồng chi Hàn Quốc để về áp dụng. Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên công việc trồng nấm gặp nhiều khó khăn, thất bại, nhưng vài năm trở lại đây, công việc này cũng đã bắt đầu ổn định. Điều anh lo lắng bây giờ là sản phẩm đã có nhiều, nhưng đầu ra không ổn định, chủ yếu vẫn là bán qua các chợ và các mối quen được bạn bè giới thiệu.

 Anh Nguyễn Văn Tiến, thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang, Chư Pưh chia sẻ: “ Mình cũng suy nghĩ nhiều lắm trước khi đến với nghề trồng nấm này. Nhưng vì cứ bôn ba kiếm việc mãi không xong, tiền bạc lại không có nên mình đã quyết định theo học nghề trồng nấm. Mình cũng đi học hỏi ở nhiều nơi, về làm cũng có nhiều khó khăn. Nói chung mình phải tự tìm cho mình một lối thoát chứ không thể ngồi chờ mãi được, công việc nào cũng là công việc”.

Đáng nói là, bên cạnh những người có suy nghĩ tích cực và nỗ lực tìm lối thoát cho bản thân trên con đường lập nghiệp thì cũng còn không ít người vẫn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại, sống với thái độ tiêu cực. Điều này không chỉ gây ra tâm lý chán nản, suy nghĩ tiêu cực cho bản thân họ mà khiến họ trở thành gánh nặng cho chính gia đình, cha mẹ cũng như cộng đồng xã hội.

Ông Đoàn Quang Vy, thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết: “ Đầu tư cho con cái đi học cũng hy vọng, cùng mong chờ lắm chứ, nhưng mà nếu con cái nó không kiếm được việc làm ổn định bên ngoài mà nó chịu khó về nhà suy nghĩ cách làm ăn cũng được, miễn sao nó đừng có chơi bời, lêu lổng, làm phiền lòng bố mẹ là được”.

Hiện nay, tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên chưa có việc làm ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 20% tổng số lao động thất nghiệp trên cả nước. Nhiều cử nhân, thạc sỹ phải vất vả mưu sinh bằng những nghề lao động phổ thông, thậm chí nhiều trường hợp, người đã có bằng đại học vẫn đăng ký theo học các lớp dạy nghề để dễ dàng tìm được việc làm hơn. Đó là chưa kể đến những người phải chấp nhận làm việc trái ngành, trái nghề, lương thấp để có một công việc mưu sinh… Thực tế đang đòi hỏi những trí thức trẻ cần năng động, mạnh dạn hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp. Dù có khó khăn, nhiều gian nan nhưng đó là những việc làm chân chính, tạo ra giá trị kinh tế, đem lại cuộc sống ổn định cho bản thân và gia đình, rất đáng được trân trọng và học tập./.

Minh Lý, Ngọc Hà, Phan Nguyên

 


Lượt xem: 247

Trả lời