Gia tăng bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu

Cập nhật 22/8/2016, 08:08:36

Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu trồng mới khá lớn, vượt quy hoạch khoảng 10.000 ha. Với trên 16. 000 ha hồ tiêu được trồng ở 13/17 huyện, thành phố, việc ồ ạt mở rộng diện tích trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu ngày càng gia tăng khiến năng suất và chất lượng bị giảm sút. Trong khi diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh trên địa bàn tỉnh giảm gần một nửa thì năm nay bệnh vàng lá chết chậm lại tiếp tục gia tăng.

22.8 gialaichetnhanh

Vườn tiêu gần 2 ha của gia đình anh Lê Văn Dũng ở xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, nhiều trụ đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng vàng lá và chết dần. Bệnh xuất hiện thành từng vùng, ban đầu là một vài cây sau đó lan sang các cây bên cạnh. Tiêu vẫn cho quả nhưng năng suất rất kém.

Anh Dũng cho biết: “Cây tiêu này bị vàng lá trên toàn trụ tiêu, đây gọi là bệnh chết chậm. Nhiều cây sinh trưởng chậm sau 2-3 năm thì chết.Vườn bây giờ phần lớn diện tích bị nhiễm bệnh này”.

 Bệnh chết chậm thường có triệu chứng vàng lá từ từ. Nhiều khi cây tiêu có thể chống chọi với bệnh lên đến 2-3 năm sau mới chết. Năm nay bệnh vàng lá chết chậm lại tăng với trên 2800 ha nhiễm bệnh, chiếm 18% diện tích hồ tiêu trong toàn tỉnh. Diện tích nhiễm tập trung nhiều ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa…

Anh Trần Viết Đức – Thôn Nhơn Phú – xã Ia Glai, huyện Chư Sê cho biết: “Bây giờ phần lớn diện tích tiêu trong vườn bị vàng lá. Mình cũng áp dụng nhiều biện pháp, dùng đủ loại thuốc nhưng vẫn không ăn thua gì”.

Nói về thực trạng tiêu chết trên địa bàn ông Nguyễn Văn Bi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Glai, huyện Chư Sê cho biết: Hiện trên địa bàn xã có trên 200 ha hồ tiêu nhưng có khoảng 30% bị nhiễm bệnh. Mới đây các ngành chức năng cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh hại trên cây hồ tiêu, khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng để xây dựng các vườn tiêu theo hướng bền vững.

Với quan điểm “Phòng bệnh là chính, phát hiện sớm và đưa ra biện pháp phòng trừ phù hợp”, theo các ngành chức năng đối với vườn tiêu đang phát triển xanh tốt, chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc bệnh nhẹ thì cần duy trì các biện pháp canh tác bền vững như: Vệ sinh vườn, tiêu hủy cây bệnh, tạo rãnh thoát nước tốt trong vườn, chú trọng sử dụng phân chuồng hữu cơ, trồng cây che bóng mát. Còn đối với vườn tiêu đã bị nhiễm bệnh nặng không còn khả năng phục hồi nông dân nên mạnh dạn nhổ bỏ, xử lý đất bằng các thuốc trừ tuyến trùng trước khi trồng lại./.

Kim Châu – Lê Thư -Thanh Sáng – Duy Linh

 


Lượt xem: 362

Trả lời