Gia Lai từng bước kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật 25/12/2021, 10:12:19

Sau 3 năm triển khai đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” giai đoạn 2017-2020, tỷ suất giới tính khi sinh (TSGTKS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai dao động từ 105 đến 109 nam/100 nữ. Điều này cho thấy mức cân bằng tự nhiên có sự tăng, giảm không đồng đều qua các năm. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai tiếp tục đưa TSGTKS về mức cân bằng 103 đến 105 nam/100 nữ. Để làm được điều này, đòi hỏi các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn của tỉnh.

Để khống chế thành công tốc độ gia tăng TSGTKS thì công tác tuyên truyền của cán bộ làm công tác dân số luôn được xem là giải pháp then chốt. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phải linh hoạt, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để làm thay đổi được nhận thức của người dân về vấn đề sinh đẻ có kế hoạch.

Chị Phan Thị Bích Hồng, Xã Cư An, huyện Đak Pơ chia sẻ: “Với mình thì mình không quan trọng là trai hay gái. Mình cũng được sự ủng hộ của mẹ chồng và chồng là không sinh nữa để có điều kiện nuôi dạy và chăm lo cho con tốt hơn”.

Nếu năm 2014, huyện Đak Pơ có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai với khoảng 127 bé trai/100 bé gái, thì đến cuối năm 2020, tỷ lệ chênh lệch giới tính đã được kéo giảm chỉ còn 96 bé trai / 100 bé gái, và đến cuối tháng 9/2021 là 109 bé trai /100 bé gái. Để thực hiện được điều đó, công tác truyền thông của những người làm công tác dân số ở đây là tập trung vào những đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3.

Bà Trần Thị Mỹ Long, Phó phụ trách phòng Dân số – TTYT huyện Đak Pơ cho biết: “Chúng tôi tập trung tuyên truyền hướng tới các đối tượng là chị em phụ nữ và các bà mẹ chồng để thay đổi nhận thức “phải có con trai nối dõi”, đồng thời tuyên truyền các kiến thức kế hoạch hóa gia đình cho chị em. Thời gian gần đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện được kéo giảm đáng kể, đó là điều đáng mừng trên địa bàn huyện”.

Năm 2019, các Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai được sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế. Theo đó, đối với huyện Kông Chro từ việc duy trì hoạt động của 135 cộng tác viên giảm xuống còn 89 cộng tác viên. Mặc dù địa bàn rộng, đội ngũ cộng tác viên lại giảm nhưng ngành dân số huyện Kông Chro đã khắc phục khó khăn để tuyên truyền cho người dân hiểu về kế hoạch hóa gia đình.

Chị Phan Trần Hiền, Trưởng phòng Dân số – TTYT huyện Kông Chro cho biết: “Với đặc thù ở đây khi chúng tôi triển khai công tác truyền thông sẽ không thể áp dụng được như các địa phương thuận lợi khác như có thời gian hay 1 địa điểm thích hợp mà chúng tôi thường phải chịu khó vào giờ tập hợp được dân, thường ở đây chúng tôi phải đi tuyên truyền từ 5 giờ đến 7 giờ sáng hoặc có thể từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm”.

Chị Đinh Thị Huy, Tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro nói: “Trước đây mình không biết mình đẻ 3 con, giờ nhờ cán bộ tuyên truyền nên mình khuyên mấy đứa con của mình chỉ đẻ 2  đứa thôi để nuôi dạy con cho tốt, cho nó đi học”.

Năm 2021, tỷ lệ tăng tự nhiên của  tỉnh Gia Lai là 13‰, mức giảm tỷ lệ sinh 0,5%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 19%, tỷ số giới tính khi sinh dao động  từ 103 đến 105 nam/100 nữ,…Để đạt được các chỉ tiêu trên, trong suốt 1 năm qua mặc dù không tổ chức được các đợt truyền thông về dân số do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tuy nhiên Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai đã cung cấp thông tin đến người dân dưới nhiều hình thức về các vấn đề dân số – phát triển, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của người dân, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng chọn lựa giới tính khi sinh, dần đưa TSGTKS của tỉnh Gia Lai về mức cân bằng chung của cả nước./.

Lệ Xuân – Trương Trang – Minh Trung


Lượt xem: 3

Trả lời