Gia Lai tìm cơ hội để khai thác lợi thế phát triển cây dược liệu

Cập nhật 24/3/2024, 10:03:29

Gia Lai là địa phương có đến 537 loài dược liệu quý hiếm thuộc 135 họ, trong đó có 21 loài cây dược liệu là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, 30 loài duợc liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế cao như: Sa nhân, đương quy, mật nhân, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến… Tuy nhiên, việc phát triển diện tích còn manh mún, mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình là chủ yếu… Khắc phục những hạn chế này, tỉnh Gia Lai đã và đang nỗ lực xây dựng các chuỗi liên kết nhằm khai thác giá trị lợi thế về phát triển cây dược liệu mà không nhiều địa phương có được.

Hiện nay, các loài dược liệu chủ yếu phân bổ dưới những tán rừng tự nhiên, tập trung ở các huyện Kbang, Đak Đoa, Chư Prông, Mang Yang với tổng diện tích hơn 45.300 ha.Khai thác các lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, những năm qua bằng nhiều nguồn vốn, các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh Gia Lai đã phát triển, mở rộng diện tích trồng dược liệu được gần 4 ngàn ha.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với phát triển dược liệu thì Gia Lai có khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng và vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn Kon Chư Răng, phải nói là đây là khu bảo tồn đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam . Nơi đây chưa nhiều nguồn gen quý, trong đó có nhiều lọia dược liệu.Về mặt định hướng đã có Nghị quyết 09 về phát triển dược liệu và UBND tỉnh đã có đề án. Tinh thần là chỗ nào phát triển được thì sẽ phát triển, chúng tôi đã đề xuất đưa vào phát triển sâm Việt Nam từ giống của sâm Ngọc Linh vì Gia Lai cũng có những điểm tương đồng. Ngoài ra Gia Lai còn có những dược liệu quý hiếm khác mà thế giới rất ưa chuộng mà đang còn được bảo tồn ở những vùng lõi, rừng đặc dụng.”

Tiềm năng, lợi thế và dư địa về phát triển dược liệu của tỉnh Gia Lai còn rất lớn, song hiện tại việc phát triển vẫn chưa tương xứng. Vì vậy tỉnh Gia Lai đang nỗ lực tìm kiếm đối tác hợp tác để hình thành các chuỗi liên kết về sản xuất phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Hiện tại Gia Lai đang kết nối với thành phố Hồ Chí Minh để triển khai một số nội dung phát triển vùng nguyên liệu dược liệu.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó GĐ Sở Nông nghiệp & PTNT thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi chọn một lợi thế mà ở các vùng khác không có, đó là sâm hương liệu và dược liệu. Chính từ góc độ đó thì Sở NN & PTNT cùng với các sở, ngành hôm nay làm việc với Sở NN & PTNT của Gia Lai và các doanh nghiệp. Với 2 mục tiêu là quảng bá sâm Ngọc Linh nói chung và hương liệu, dược liệu của Tây Nguyên trở thành lợi thế nhất của Việt Nam. Trước mắt chúng tôi cùng với Kon Tum tổ chức Festival lần 1 ở vùng Tây Nguyên này. Lấy Kon tum, Gia Lai làm điểm, sau đó tháng 5 tại Tp.HCM, lấy Lễ hội sâm hương liệu, dược liệu quốc tế. Đó là trước mắt. Trong năm 2024 đề nghị với Tp.HCM tổ chức XTĐT về nội dung sâm hương liệu và dược liệu để tạo cầu nối…sẽ mời các lãnh sự quán, từ đó sẽ có kết nối mang tính chiến lược. Với sự phối hợp với Sở NN Gia Lai sẽ thành công.”

Song song với việc tăng cường kết nối, tỉnh Gia Lai cũng nỗ lực vận động các địa phương, người dân tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu có quy mô và phát triển bền vững.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai trao đổi: “Hiện nay Gia Lai đã kêu gọi đầu tư và đã có 3 doanh nghiệp đầu tư vào KCN của tỉnh. Nhưng vấn đề hiện nay phát triển vùng nguyên liệu, các DN phải có chiến lược về vùng nguyên liệu, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ngành đã hỗ trợ cùng các HTX vận động người dân trồng các dược liệu đảm bảo chất lượng, khi đó đưa vào chế biến tạo ra sản phẩm có hàm lượng cao, có truy xuất nguồn gốc để sản phẩm được đưa ra các thị trường trong nước và quốc tế. Với chuỗi liên kết như vậy thì mới phát triển được ngành dược liệu.”

Theo đề án: “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 20230 phát triển được 20 ngàn ha và đưa cây dược liệu trở thành lĩnh vực có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai.

Hồng Uyên – R’Piên


Lượt xem: 6

Trả lời