Gia Lai thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực

Cập nhật 10/10/2022, 13:10:44

Hôm nay (ngày 10/10) là Ngày Chuyển đổi số quốc gia và năm 2022 cũng là năm đầu tiên Việt Nam có Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh mạnh của cách mạng 4.0 đang có nhiều tác động tới sự phát triển chung của xã hội. Trong đó, có nội dung về chuyển đổi số. Chính vì vậy, cùng với các địa phương trên cả nước, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, thành phố Pleiku đưa vào sử dụng App Pleiku Trực Tuyến nhằm kết nối, cung cấp thông tin hai chiều giữa người dân và chính quyền với nhiều nội dung như: phản ánh hiện trường, du lịch, dịch vụ công, y tế, giáo dục, môi trường, quản lý văn bản…Khi có vấn đề cần phản ảnh với cơ quan chức năng, người dân chỉ việc nêu trực tiếp trên ứng dụng. Thông tin sẽ được Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Pleiku tiếp nhận, phân loại rồi chuyển đến các phòng, ban chức năng hoặc các địa phương để giải quyết nhanh chóng.

Anh Lê Quang Trung, Phường Diên Hồng, TP. Pleiku cho biết: “Vừa qua tôi được biết TP. Pleiku có triển khai ứng dụng Pleiku trực tuyến đến mọi người dân, tôi đã thử cài đặt và dùng thử, thông qua đây tôi có thể nắm bắt được thông tin, tin tức sự kiện của TP thường xuyên. Đặc biệt tôi thấy trong ứng dụng này có phần phản ánh hiện trường, giúp người dân chúng tôi có thể kịp thời phản ánh các vấn đề như đô thị, rác thải… hoặc nhiều vấn đề mà người dân muốn phản ánh tới cơ quan chính quyền chỉ cần thông qua điện thoại thông minh. Tôi thấy đây thật là ứng dụng hữu ích, nó phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố hiện nay”.

Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, mang lại những giá trị kinh tế, thay đổi tư duy con người. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay của chuyển đổi số, nó tác động đến mọi ngành nghề, như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ kinh doanh. Đặc biệt, chuyển đổi số đang giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Lê Thanh Nguyên- Giám đốc kinh doanh VNPT Gia Lai cho biết: “Trên địa bàn tỉnh, VNPT đã triển khai chữ ký số điện tử cho 4 ngàn khách hàng; thực hiện phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội cho ngành bảo hiểm; hệ thống biên lai điện tử, hóa đơn điện tử cho tất cả các UBND các huyện, thị xã, thành phố; Triển khai hệ thống thông tin 1022 cho UBND tỉnh phục vụ hỏi đáp, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia và hướng dẫn người dân cài đặt các app để giao dịch thanh toán hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt…”

 Em Dương Thị Khánh- Lớp 12, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Pah nói:  “Mạng giúp em tiếp xúc được tik tok, zalo, facebook, bên cạnh đó chúng em có thể học tập, tra thông tin nhanh hơn, tìm hiểu thông tin có chọn lọc hơn và bọn em cập nhật thông tin..Bên cạnh đó, không chỉ chúng em mà gia đình bọn em coi được nhiều chương trình hơn, tiếp thu, tiếp nhận được nhiều thông tin kể cả trong nước và ngoài nước.”

Thực hiện Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về chuyển đổi số, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát triển kinh tế số; đến năm 2030, tỉnh hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, bao gồm phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số. Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và tận dụng các nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số,…góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.

Thúy Diện – Phi Long – Bá Bính


Lượt xem: 25

Trả lời