Gia Lai 45 năm sau giải phóng. Phóng sự 3: Khai thác tiềm năng về phát triển du lịch ở khu vực phía Đông

Cập nhật 30/4/2020, 09:04:42

Chúng ta sẽ tiếp tục hành trình về với các địa phương thuộc khu vực phía Đông của tỉnh để cảm nhận những đổi thay ở đó. Khu vực này không chỉ có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đặc biệt với các địa danh nổi tiếng nên có tiềm năng rất lớn để khai thác phát triển du lịch.

Khu vực phía Đông bao gồm: Thị xã An Khê và các huyện Đăk Pơ, Kbang, Kông Chro.

Ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất, tạo dựng ra nhiều thương hiệu sản phẩm về rau màu, các loại hoa cao cấp là điểm sáng về phát triển nông nghiệp ở khu vực này.

 Ông Nguyễn Văn Hưng, Thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: “Phát triển NNCNC là xu thế tất yếu hiện nay mà các nước tiên tiến đang hướng đến. Để có được mô hình như thế này, chi phí đầu tư 1 sào trung bình 1 tỷ đồng, tuy mức đầu tư tương đối cao nhưng bù lại hiệu quả kinh tế mang lại cao, đồng thời giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường cũng như sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm an toàn”.

Đặc biệt, khu vực phía Đông của tỉnh còn được biết đến là vùng chuyên canh cây mía. Hàng ngàn hecta mía được phát triển theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với năng suất đạt cao đã mang lại cho bà con nông dân nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh thế mạnh về phát triển nông nghiệp thìkhu vực phía Đông còn có tiềm năng rất lớn để khai thác phát triển du lịch.

 Với các địa danh nổi tiếng như: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Thác 50…là lợi thế  để các huyện phía Đông phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch cụm huyện, thị xã: An Khê, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro giai đoạn 2019-2023.Mục tiêu triển khai kế hoạch này nhằm phát huy lợi thế về Quần thể Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo gắn với tài nguyên sinh thái và văn hóa để phát triển du lịch; tập trung tu bổ, bảo tồn di tích; hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để từng bước hình thành các điểm tham quan có khả năng thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, những khám phá trong 3 năm tiến hành khảo cổ của các nhà khoa học, khảo cổ học khi tiến hành khai quật cụm di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An và địa điểm Gò Đá thuộc phường An Bình của thị xã An Khê, đã và đang khiến giới khảo cổ học trong và ngoài nước kinh ngạc. Tại hơn 20 địa điểm khảo cổ ở các vùng đồi gò thung lũng An Khê đã phát hiện hàng ngàn hiện vật là bằng chứng về sự hiện diện của cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam. Với những phát hiện quan trọng này, An Khê chính thức được bổ sung vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới. Một vùng đất chứa đựng nhiều câu chuyện cổ như An Khê sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn bởi hàng ngàn năm đã trôi qua, con người vẫn chưa thôi hết tham vọng tìm kiếm câu trả lời chính xác và thỏa đáng nhất về nguồn gốc tổ tiên mình.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ – Chủ tịch UBND Thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là tăng cường khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong đấy trước mắt là phát huy di tích lõi ở trung tâm, cụ thể là khu vực phường Tây Sơn, là di tích Tây Sơn Thượng Đạo. Hiện chúng tôi đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh về thực hiện dự án đầu tư bảo tồn và phát huy di tích, đó là trùng tu, tôn tạo lại khu vực này. Trong đó tổng mức đầu tư là 27 tỷ đồng cho dự án triển khai năm 2020.

Hồng Uyên – Đoàn Bình – R’Piên – Thanh Sáng


Lượt xem: 31

Trả lời