Đường 7 – sông Bờ huyền thoại

Cập nhật 16/3/2024, 09:03:42

Chiến dịch Tây Nguyên mở màn ngày 04/3/1975 và kết thúc 3/4/1975 với thắng lợi oanh liệt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng để quân và dân ta thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, những vùng đất, những địa danh, tên suối, tên sông… đã đi vào lịch sử với biểu tượng về tinh thần quyết chiến quyết thắng, thần tốc, táo bạo đánh địch; trong đó có Đường 7 – sông Bờ huyền thoại – nơi diễn ra các trận đánh của quân và dân ta khi địch tháo chạy, rút khỏi Tây Nguyên vào tháng 3 năm ấy- cuộc truy kích địch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương.

Dọc Đường 7 – sông Bờ năm xưa với bao câu chuyện về sự ác liệt của chiến tranh, về tinh thần đấy tranh anh dũng, bất khuất chống quân thù và khát vọng hoà bình, độc lộc, tự do thống nhất đất nước của quân và dân ta.

Ngược dòng lịch sử, Tây Nguyên những ngày tháng 3 lịch sử cách đây 49 năm…. Hừng hực khí thế của quân và dân ta đánh địch trên khắp chiến trường…

Sau khi bị các lực lượng của ta tiến công dũng mãnh, trong cơn hoảng loạn, thất thủ, quân địch quyết định rút khỏi Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku… xuống đồng bằng Duyên hải miền Trung trên Đường 7 (nay là Quốc lộ 25 – từ Chư Sê đến Phú Yên). Thời cơ đã đến, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 320, Trung đoàn 95 cùng nhiều đơn vị của ta đã tổ chức truy kích, bao vây, chặn đánh cuộc tháo chạy với quy mô lớn của địch trên Đường 7 với những trận đánh giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt.

Ông Kpă Huat – Tổ 9, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa nói: “Chiến tranh rất ác liệt. Đoạn đường từ Phú Bổn đến đèo Tô Na rất ác liệt…Cuộc sống của đồng bào rất khó khăn và thiếu thốn. Chiến tranh rất ác liệt, nhân dân bị đói, khổ…”

Với tinh thần dũng mãnh, táo bạo, quân ta đã tiến công, làm chủ các vị trí quan trọng của địch như: Trại Ngô Quyền, Sân bay Phú Bổn, Tòa Hành chính, Ty Cảnh sát Phú Bổn… Cheo Reo, Phú Bổn, cầu sông Bờ, cầu cây Sung, đèo Tô Na… in đậm với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, là nỗi khiếp sợ của địch.

Bà Ksor H’Soa – Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện xúc động kể: “Khi diễn ra các trận đánh trên Đường 7 – sông Bờ, lúc đó tôi 17, 18 tuổi rồi. Cán bộ khi đó có các đồng chí Nay Pha, Nay Nam, Nay Yom… đã tổ chức tuyên truyền, vận động thanh niên trong làng đi theo cách mạng. Khi ấy thanh niên ở làng tôi đông lắm, rất hưởng ứng tham gia cách mạng…”

Ông Trần Quốc Khánh – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa cho biết: “Qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước và trong Chiến dịch Tây Nguyên, cán bộ và nhân dân Ayun Pa rất tích cực tham gia đánh địch, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang. Khi quê hương, đất nước được giải phóng; cán bộ và nhân dân Ayun Pa chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Ayun Pa ngày càng giàu đẹp…”

Thắng lợi của quân và dân ta trên Đường 7 – sông Bờ vào những ngày tháng 3 lịch sử cách đây 49 năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng; đã làm tan rã lực lượng và đập tan cuộc rút quân chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống Duyên hải miền Trung chờ cơ hội phản công; tạo thế và lực mới để ta thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thắng lợi hoàn toàn./.

Hà Đức – R’Piên


Lượt xem:

Trả lời