Đak Đoa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cập nhật 27/8/2021, 07:08:24

Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện Đak Đoa đã chủ động hướng dẫn, vận động người dân tích cực chuyển cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở phát huy lợi thế vốn có của từng địa phương.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong Chương trình Chào ngày mới hôm nay đến thăm một số vườn cây của bà con nông dân trên địa bàn huyện Đak Đoa để cảm nhận rõ nét hơn điều đó.

Trước đây khu vườn được gia đình ông Hoàng Văn Phong ở thôn Ngol, thị trấn Đak Đoa chủ yếu dùng để trồng rau màu nhưng gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng trên, sau khi tìm hiểu, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành nông nghiệp gia đình ông đã mạnh dạn chuyển hết 6 sào rau sang trồng cam, quýt. Đến nay, sau một thời gian chuyển đổi, vườn cây của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch, đầu ra ổn định.

Ông Hoàng Văn Phong, thôn Ngol, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa cho biết: “Hiệu quả so với cây cà phê hơn, mà nó khỏe người hơn, chăm sóc các thứ hơn.  Đầu ra thì bán xung quanh, trong huyện Đak Đoa mình và thành phố Pleiku ai tới là mình bán, mình giao cho người ta. Giá tại vườn 25.000/kg, giá sỉ 20.000/kg, vườn đây năm ngoái thu bói, năm nay thu chính.  Thời gian tới trồng thêm nhãn, cam, quýt, bưởi, chỗ cà phê sắp tới đây để trồng thêm cây ăn trái”.

Không chỉ vận động nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấy cây trồng, huyện Đak Đoa cũng triển khai xây dựng vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương. Trong đó, mô hình cánh đồng sản xuất lúa một giống chất lượng cao tại địa bàn 4 xã gồm Hà Bầu, Ia Pết, Glar, Hnol với quy mô 900 ha vừa được triển khai năm 2021 là một điển hình. Với sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật, các hộ dân tham gia mô hình đã đưa vào sản xuất các giống lúa JO2, HN6, DT100 trong vụ Mùa và vụ Đông Xuân năm nay. Đây là các giống lúa ngắn ngày được đánh giá đạt năng suất cao, chất lượng gạo ngon, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo trên địa bàn huyện.

Chị Hmun – Làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Hồi giờ mình chỉ trồng lúa địa phương năng suất thấp, nay được hỗ trợ giống mới năng suất cao, bà con trong làng phấn khởi lắm”.

Ông A Lưng – Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Đak Đoa cũng cho biết: “Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp hỗ trợ cho nông hội trồng và chăm sóc lúa đặc trưng, đã hỗ trợ giống lúa đặc trưng theo giống của Phòng nông nghiệp ban đầu là hỗ trợ cho các hộ, cùng với đó là tập huấn kỹ thuật lúa theo mô hình một giống.  Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Hội doanh nghiệp của huyện tổ chức triển khai các Đại lý tiêu thụ các sản phẩm của các mô hình.  Sắp tới khuyến khích bà con mở rộng diện tích để đảm bảo sản phẩm, đầu ra để cung cấp cho doanh nghiệp”.

Sự thay đổi trong canh tác, chuyển đổi cây trồng, tạo cơ chế phù hợp phát huy lợi thế, thế mạnh từng địa phương đang là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp tại Đak Đoa. Và để phát triển nông nghiệp bền vững, bên cạnh sự chủ động của người dân thì rất cần sự hỗ trợ về giống, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của các ngành chức năng để tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Lê Thư – Kim Châu – Huy Toàn


Lượt xem: 6

Trả lời