Công ty cao su Chư Prông nỗ lực tìm kiếm lao động

Cập nhật 20/3/2017, 08:03:48

Hiện nay nhiều công ty cao su ở Gia Lai đang phải đương đầu với bài toán thiếu nhân công lao động khi đang chuẩn bị đến mùa cạo mủ cao su thì đối với Công ty cao su Chư Prông cũng đang nỗ lực tìm kiếm số lao động này để chuẩn bị cho đợt cạo mủ sắp tới. Sau đây là ghi nhận của phóng viên Đài PT – TH Gia Lai.

Trong năm 2016, Công ty Cao su Chư Prông có trên 500 công nhân xin nghỉ việc. Nguyên nhân chính là do những năm qua giá bán mủ cao su xuống thấp, dẫn đến nguồn thu nhập của người lao động không ổn định khiến nhiều công nhân chuyển sang tìm  công việc khác với mức thu nhập cao hơn.

Ông Phan Sỹ Đồng, Trưởng phòng lao động tiền lương – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông cho biết: “Trong 3 năm qua, giá mủ cao su liên tục sụt giảm, nhất là đầu năm 2016 giá mủ còn 25 triệu. Trong tình hình đó lương công nhân cũng phải tiết giảm nên đời sống công nhân cũng gặp khó khăn, vì vậy công nhân cạo mủ có người ở lại với công ty, có người nghỉ để đi tìm việc khác đảm bảo đời sống hơn”.

Điều đáng nói là trong số 500 công nhân nghỉ việc tại Công ty cao su Chư Prông thì có đến 200 công nhân cạo mủ lâu năm.   Đây cũng chính là bài toán nan giản đối với các công ty cao su ở Gia Lai nói chung và công ty cao su Chư Prông nói riêng. Đợt cạo mủ đầu tiên trong năm 2017, đơn vị này có khoảng trên 8000 ha cao su cho vào khai thác. Do đó bên cạnh việc thực hiện các chính sách đãi ngộ thì công ty Cao su Chư Prông cũng đã đề ra một số giải pháp trước mắt như phối hợp với chính quyền địa phương để thu hút lao động tại chỗ.

Anh Kpuih Kơn, Nông trường Đoàn Kết, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông cho biết: “Công đoàn công ty đã vận động công nhân gắn bó với công ty, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động nên nói chung anh em chúng tôi cũng rất yên tâm làm việc và gắn bó với đơn vị. Lương tôi bây giờ được hơn 4 triệu là được rồi”.

Ông Phan Sỹ Đồng, Trưởng phòng lao động tiền lương – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông cho biết thêm: “Hàng năm chúng tôi đều lập kế hoạch lao động triển khai xuống từng đơn vị đội, nông trường. Thứ nhất đối với các lao động dư chuyển cho những lao động thiếu, thứ hai là đơn vị nào còn thiếu chúng tôi triển khai xuống các nông trường đội tiếp tục vào làng vận động bà con và đặt vấn đề với chính quyền xã vận động dân, nhất là những thanh niên ở làng tham gia lao động cùng với đơn vị”.

Có thể thấy rằng, một trong những giải pháp trước mắt nhằm khắc phục tình trạng thiếu công nhân cạo mủ cao su tại các doanh nghiệp ở Gia Lai hiện nay đó là mỗi doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động. Tăng cường tổ chức đối thoại với công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời tuyên truyền tình hình chung của ngành cao su trong nước, cũng như những thách thức mà Công ty đang gặp phải để công nhân thấu hiểu và chia sẻ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Lệ Xuân, Thiên Nga, Xuân Huy


Lượt xem: 192

Trả lời