Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Gia Lai.

Cập nhật 22/9/2014, 16:09:52

Từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 9, đồng chí Trương Tấn Sang- Ủy viên Bộ Chính trị-Chủ tịch nước đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai. Cùng tham gia đoàn làm việc của Chủ tịch nước có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Đón đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về phía lãnh đạo tỉnh có đồng chí Hà Sơn Nhin- Ủy viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. 

 

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay.

 

Ngay khi tới Gia Lai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã đến dâng hương dâng hoa tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết thành phố Pleiku, bày tỏ lòng thành kính về biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc- danh nhân văn hóa thế giới. Chủ tịch nước đến xem bức thạch thư Bác Hồ gửi các dân tộc Tây Nguyên năm 1946 và tượng Anh hùng Núp, trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Đại đoàn kết TP Pleiku.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  đến dâng hương tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Đại Đoàn kết.

 

Sáng ngày 22/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các thành viên trong đoàn đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai. Tại buổi làm việc, đồng chí Hà Sơn Nhin- Ủy viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã báo cáo với Chủ tịch nước và các thành viên trong đoàn những thành tựu nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh. Theo đó, nền kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, dự ước năm 2015 đạt khoảng 12.150 tỷ đồng, tăng 80,8% so với năm 2010, tăng bình quân hàng năm 12,58%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 ước đạt 39 triệu đồng, bằng 75% so với bình quân cả nước. Công tác thu ngân sách, thu hút đầu tư và việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Lĩnh vực văn hóa xã hội liên tục có chuyển biến tốt, quốc phòng an ninh được tăng cường giữ vững. Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đề xuất với Trung ương cần điều chỉnh một số cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, nhất là ban hành một số chính sách mang tính đặc thù trong đầu tư phát triển đối với Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung trên các lĩnh vực: thủy lợi, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quản lý bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới…

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo tỉnh.

 

Đồng chí Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Thủy lợi có ý nghĩa quan trọng đối với Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung nhưng đầu tư cho lĩnh vực này rất ít, không nên cho rằng xuất đầu tư quá cao nên ít quan tâm đầu tư. Có nhiều diện tích đất lâm nghiệp trên giấy tờ thì có nhưng trên thực tế đất đó người dân đã canh tác lâu rồi nên phải có chính sách phù hợp để chuyển mục đích sử dụng cho dân. Quản lý bảo vệ rừng là rất quan trọng nhưng việc đầu tư chưa đồng bộ và chưa thỏa đáng”.                                                     

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương đánh giá cao những thành tựu tỉnh Gia Lai đã đạt được, nhất là trên lĩnh vực phát triển ngành nông nghiệp đúng hướng, cơ cấu kinh tế hợp lý, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh tăng bình quân hằng năm gần 7%, dự ước năm 2015 đạt 3.770 tỷ đồng là con số nhiều địa phương trong nước chưa đạt được. Lãnh đạo nhiều bộ, ngành của Trung ương đã đề xuất tháo gỡ khó khăn trên một số lĩnh vực và gợi ý với tỉnh một số hướng đi mới trong đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Có ý kiến cho rằng, nếu đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc từ tỉnh Kon Tum đi TP Hồ Chí Minh qui mô như tuyến đường cao tốc đã đầu tư từ tỉnh Lào Cao đến TP Hải Phòng thì sẽ tạo sự phát triển mang tính đột phá, mạnh mẽ cho Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, cũng như những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt những thành tựu rất quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận: “Kinh tế của tỉnh phát triển tương đối toàn diện, nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực này có triển vọng rất lớn… Phát triển kinh tế ổn định, tăng trưởng khá nên thu nhập của người dân ngày càng cao, diện mạo của Gia Lai có nhiều khởi sắc. Các đồng chí làm điều này rất tốt. Công tác đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tỉnh chú trọng và làm tốt. Công tác cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ, đạt kết quả tốt…”.                         

 

Nhấn mạnh những tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp của tỉnh Gia Lai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo: tỉnh cần tập trung khai thác tốt và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Muốn phát triển ngành nông nghiệp có chiều sâu và bền vững phải đặc biệt chú trọng việc tổ chức sản xuất khoa học, đưa tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo: “Chúng ta đang đi con đường công nghiệp hóa nông nghiệp đã tạo ra hiệu quả rất lớn, cần tiếp tục phát huy, chú trọng đưa tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tỉnh có chủ trương triển khai dự án nuôi bò theo hướng công nghiệp, việc này cần phải sớm tiến hành… Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng, rất đáng hoan nghênh, cần phải lưu ý mục tiêu của việc xây dựng chương trình này là mang lại lợi ích cho dân và người dân làm chủ…”.

 

Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm và lưu ý với tỉnh tiếp tục giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, phải có Kế hoạch riêng để thực hiện bài toán xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đỡ các thôn, làng đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt vấn đề này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị. Chủ tịch nước cũng lưu ý, tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác trồng rừng tại các dự án làm thủy điện, giải quyết triệt để những tồn đọng tại các dự án thủy điện… Về công tác dân tộc, tôn giáo, đảm bảo quốc phòng an ninh, tỉnh cần vận dụng và phát huy những bài học và kinh nghiệm quí của địa phương để triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ này.

 

Đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị: “Về quốc phòng an ninh, tỉnh cần vận dụng tốt những bài học, kinh nghiệm đã có; tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề về dân tộc, tôn giáo. Xử lý tốt các nhân tố gây bất ổn bên trong và bên ngoài, củng cố an ninh cơ sở, nâng cao hoạt động hệ thống chính trị, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc…Về công tác cải cách tư pháp tập trung giải quyết những vấn đề còn hạn chế, mục đích cuối cùng là không bỏ sót tội phạm và bảo vệ công lý…”.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý với tỉnh trước mắt cần phải “dồn sức” triển khai đồng bộ các biện pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra, đồng thời tập trung triển khai tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.

 

Thay mặt lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh, đồng chí Hà Sơn Nhin- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng-Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sâu sắc sự quan tâm và những tình cảm quí báu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đó là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng địa phương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

 

Lãnh đạo huyện Kbang tiếp đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác TƯ đến thăm, làm việc tại huyện Kbang. 

 

Trước đó sáng 21/9 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác TƯ đã đến thăm, làm việc tại huyện Kbang. Cùng đi, về phía địa phương có các đồng chí: Hà Sơn Nhin, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác TƯ  đến thăm,can bộ nhân dân làng Cam huyện Kbang. 

 

Đoàn công tác của Chủ tịch nước đã đến thăm bà con tại làng Cam, xã Đăk Sơ Mar, huyện căn cứ Cách mạng Kbang. Tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm hỏi sức khỏe, tình hình lao động sản xuất của bà con dân làng. Làng Cam thuộc làng tái định cư thủy điện An Khê Ka Nak. Với gần 100% hộ dân tộc thiểu số Banah, đời sống của đại bộ phận người dân ở đây dù đã được Nhà nước đầu tư, chăm lo nhưng so với mặt bằng chung của huyện Kbang vẫn còn khá thấp. Trò chuyện cùng bà con dân làng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên bà con nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng thâm canh tăng năng suất để cải thiện và nâng cao đời sống. Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Kbang về tình hình kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; về giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tái định canh và những vấn đề tồn đọng liên quan đến công trình thủy điện An khê Kanak. Theo báo cáo của UBND huyện Kbang đến nay địa phương đã có 1 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới là Đăk Hlơ. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện đang ra sức phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM. Từ năm 2002 đến nay, huyện Kbang đã giải quyết 304 hecta đất sản xuất cho 2.585 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên do vấn đề tách hộ, thực trạng một số dự án định canh định cư chưa bố trí đủ đất sản xuất cho dân và đặc biệt là xảy ra tình trạng cho thuê, mua bán, sang nhượng đất trái phép đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nên trên địa bàn huyện Kbang vẫn còn 562 hộ thiếu đất sản xuất.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác TƯ  đến thăm, làm việc tại xã ĐăkSMa, huyện Kbang. 

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế xã hội của huyện Kbang, khu căn cứ Cách Mạng của tỉnh Gia Lai. Cùng với công cuộc đổi mới của cả nước, các dân tộc trên địa bàn huyện đã phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, ra sức thi đua xây dựng quê hương Cách mạng, nơi sinh ra anh hùng Núp, biểu tượng của Tây Nguyên buất khuất, kiên cường trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Để huyện Kbang phát triển ngày càng giàu đẹp hơn, chủ tịch nước yêu cầu các cấp chính quyền, địa phương phải quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại chổ. Đặc biệt là giải quyết ngay tình trạng thiếu đất sản xuất hiện nay.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo: “Phải có đất sản xuất, không có lý do nào mà dân Tây nguyên lại không có đất sản xuất. Đặc biệt tôi xin nhấn mạnh là bà con dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây nguyên này, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, ưu tiên số 1 để bà con có đất sản xuất. Đồng thời phải vận động bà con, được giao đất rồi đừng có bán, dứt khoát không bán. Thiếu đất các cấp chính quyền cấp đất, có đất rồi bà con cố gắng giữ đừng có bán, tăng cường thâm canh tăng năng suất cải thiện cuộc sống”.    

 

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: vấn đề quan trọng là phải vận động bà con được cấp đất phải giữ đất không được bán. Đây chính là cơ sở quan trọng để người dân xây dựng nông thôn mới. Huyện Kbang được chọn là 1 trong 7 huyện điểm của cả nước xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch nước lưu ý trong suốt quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Kbang phải làm sao để người dân là người chủ thật sự của chương trình này.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn: “Làm sao trong suốt quá trình này người dân thật sự là người chủ. Mọi việc làm diễn ra ở thôn, làng, xã làm sao tất cả người dân đều phải hiểu, cùng bàn bạc và được quyết định. Có như thế thì hết sức vững chắc. Ví dụ như làm xây trường học hoặc làm con đường phải làm sao để tất cả tài sản làm ra phải biến thành của người dân thật sự”.

 

Chủ tịch nước tin tưởng rằng với sự quan tâm đầu tư của T.Ư, tỉnh, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, huyện Kbang sẽ sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Kbang và UBND tỉnh đã báo cáo với Chủ tịch nước về một số tồn tại chưa được giải quyết liên quan đến công trình thủy điện An Khê Kanak. Trong đó, đáng chú ý là giải quyết vấn đề khô kiệt nguồn nước tại dòng sông Ba bằng cách xây dựng đập điều hòa ở khu vực hạ du sông Ba để đảm bảo đời sống cho hàng trăm ngàn hộ dân các huyện phía đông của tỉnh. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những kiến nghị của địa phương, giao cho các thành viên trong đoàn công tác T.Ư xem xét, có ý kiến đến các Bộ ngành liên quan giải quyết.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương: “Làm thủy điện thì ảnh hưởng đến môi trường, như ở đây theo các đồng chí phản ánh đó là thiếu nước tại dòng sông Ba. Đây là điều không thể được, tôi ghi nhận ý kiến này. Đề nghị đồng chí Thứ trưởng Bộ NNPTNT lưu ý để có ý kiến bàn bạc với TƯ. Là quê hương Cách mạng và được các đồng chí cho biết, từ hồi nào đến giờ trên địa bàn xã và huyện an ninh trật tự rất là tốt. So với các nơi khác của tỉnh nhà thì nơi đây rất là tốt, thậm chí là tốt đối với Tây Nguyên. Như thế rất là xứng đáng với quê hương của cụ anh hùng Núp. Tôi thấy hoan nghênh, đồng bào xã ta, huyện ta có truyền thống chăm lo sản xuất, cải thiện đời sống đồng thời giữ gìn an ninh chính trị, an toàn xã hội tốt. Huyện ta có nhiều dân tộc anh em sinh sống, phải làm thế nào để phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân, tương ái với nhau. Tất cả các dân tộc anh em là một nhà phải đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới cho thật tốt”

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho các gia đình chính sách huyện Kbang. 

 

Nhân dịp đến thăm và làm việc tại huyện Kbang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao 10 suất quà cho các gia đình chính sách tại địa phương. Đến thăm một số mô hình sản xuất tiêu biểu của huyện, chủ tịch nước đánh giá cao mô hình phát triển cây cao su tiểu điền, cây mía, mỳ. Với vùng đất đỏ Bazan trù phú tại địa bàn, chủ tịch nước tin tưởng nếu có chiến lược phát triển sản xuất khoa học, bài bản, đời sống người dân tại huyện Kbang sẽ sớm được nâng cao trong tương lai gần.

 

Nhân Dân Kbang vui mừng đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm. 

 

Nhân chuyến công tác tại huyện Kbang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác T.Ư đã đến dâng hương tại đền tưởng niệm liệt sĩ Kanak ở thị trấn Kbang. Chủ tịch nước bày tỏ lòng thành kính và tri ân trước sự hy sinh của hàng trăm liệt sĩ trong trận đánh đồn Kanak vào đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8 tháng 3 năm 1965.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác TƯ đến thắp hương tưởng niệm Anh Hùng Núp.

 

Chủ tịch nước cũng đã đến thắp hương tưởng nhớ Anh hùng Núp tại nhà lưu niệm Anh hùng Núp ở xã Tơ Tung. Tham quan mô hình làng kháng chiến Stơr, Chủ tịch nước bày tỏ sự khâm phục trước ý chí chiến đấu quật cường, sự khôn khéo và tài tình của bà con dân làng dưới sự chỉ dẫn của anh hùng Núp, bằng cung nỏ và hầm chông thô sơ đã anh dũng đứng lên đánh lại giặc Pháp được trang bị quân khí hiện đại để giữ lấy từng tấc đất quê hương.

 

Sau khi thăm và làm việc với huyện Kbang chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác T.Ư đã đến thăm Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, mô hình bệnh viện công tư đầu tiên của cả nước. Tại đây, chủ tịch nước đã thăm hỏi, động viên các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Phát biểu trước tập thể lãnh đạo y bác sỹ và cán bộ, nhân viên Bệnh viện Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sáng kiến thành lập mô hình bệnh viện này. Mong rằng thời gian tới, Bệnh viện Y dược Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục hoàn thiện trở thành Trung tâm chuyên khoa hàng đầu của khu vực nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh trong nhân dân. 

 

Tiếp đó, Chủ tịch nước đã đến thăm và làm việc tại Tòa án nhân dân tỉnh về kết quả công tác xét xử và cải cách tư pháp tại địa phương. Theo báo cáo của TAND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, TAND tỉnh đã thụ lý 4.404 vụ án, đưa ra xét xử 3.177 vụ. Tỷ lệ giải quyết đạt 72%, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Án hình sự được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào bị kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh đã báo cáo một số khó khăn, hạn chế hiện nay ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cải cách tư pháp tại địa phương như vấn đề thiếu biên chế ở tòa án cấp huyện, thiếu điều tra viên, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ,… Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan bảo vệ pháp luật đã làm được trong việc đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, góp phần vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên đi vào chiều sâu vẫn còn tồn tại một thách thức đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật đó là số lượng án vẫn còn gia tăng.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trăn trở: “Một điều nhức nhối mà xã hội quan tâm, giao trọng trách cho chúng ta đó là làm sao ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm. Đây là thách thức rất lớn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật mà thời gian tới phải suy nghĩ rất nhiều. Hiện nay tình trạng rút án sơ thẩm lên điều tra nhiều lắm nên tôi đề nghị dồn người xuống. Tỉnh dồn xuống huyện, TƯ dồn xuống tỉnh để cho đủ người thực hiện đi. Thực tế là 80 – 90% án sơ thẩm là ở cấp huyện nên tỉnh phải dồn điều tra viên xuống cấp huyện, TƯ dồn xuống tỉnh cho mạnh lên.

 

Theo Chủ tịch nước đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, chủ trương cải cách tư pháp là dựa trên kết quả điều tra tố tụng và dựa trên cơ sở tranh tụng tại tòa một cách dân chủ. Do đó, muốn đạt được điều này đòi hỏi lực lượng điều tra viên phải tốt, kiểm sát viên phải có trình độ, bên cạnh đó cơ quan tòa án phải tạo điều kiện thuận lợi nâng cao dân chủ trong quá trình tranh tụng. Đây là cơ sở để có những bản án thuyết phục, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Để nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp, Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Gia Lai quan tâm đến hoạt động của c&aacu

Nhóm phóng viên Thời sự


Lượt xem: 87

Trả lời