Chư Prông: Lan tỏa các mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế

Cập nhật 22/9/2023, 12:09:07

Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy và hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn huyện Chư Prông triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Mô hình nuôi dê sinh sản của ông Trần Phước Trung ở xã Ia Băng, huyện Chư Prông là một trong những điển hình của phong trào “Dân vận khéo”. Được đánh giá cao không chỉ bởi hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình mà còn trợ giúp bà con tại địa phương. Không chỉ cung cấp những con dê giống chất lượng, ông Trung còn hướng dẫn phương pháp chăn nuôi cho bà con đồng bào DTTS tại chỗ để cùng nhau phát triển kinh tế.

Ông Trần Phước Trung – Xã Ia Băng, huyện Chư Prông chia sẻ: “Tôi nuôi dê năm nay là năm thứ 3, bước sang năm thứ 4. Đầu tiên thì chí có 5 con cái thôi, bây giờ tôi gầy dựng lên được 40 con cái. Thu nhập hàng năm của 40 con cái này, tương đương với 1 ha cà phê. Từ khi nuôi dê tới nay, thu nhập cũng tăng đáng kể, cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.”

Bà Chế Thị Kim Loan – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Băng, huyện Chư Prông nói: “Thực hiện chỉ đạo Huyện ủy cũng như sự hướng dân của Ban Dân vận Huyện ủy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã quan tâm tới công tác này,  đã chủ động triển khai cho cả hệ thống chính trị, Đối với các mô hình thì trên địa bàn thì vừa rồi cũng triển khai mô hình làm lúa Đông xuân, triển khai kỹ thuật mới, mô hình trồng dâu nuôi tằm, nuôi dê… Bước đầu cơ bản bà con cũng nhận thức ra được cũng có nhiều sự chuyển biến trong việc phát triển kinh tế cũng như xây dựng địa bàn.”

Mô hình lúa nước tại làng Ongol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông. Với mong muốn thay đổi thói quen cach tác của bà con tại làng O ngol, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông đã cấp 19 tấn vật tư nông nghiệp, gồm giống lúa mới, phân vi sinh, lân, vôi… cho 28 hộ dân trong làng. Ban đầu, mô hình thâm canh cây lúa nước được thực hiện với 10 ha, hoàn toàn bằng giống lúa mới N25 theo cách gieo sạ. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt về chất lượng và năng suất lúa; đã giúp bà con Jrai nơi đây thay đổi cách thức thâm canh cũ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến mới vào phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Ông Siu Mach – Làng Ongol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông cho biết: “Trước đây trọc chỉa thì không đáng bao nhiêu đến bây giờ thì áp dụng KHKT về chuyển đổi phân bón, cây giống mới. Trước đây trọc chỉa thì 1 sào được 1 tạ, 2 tạ thôi. Bây giờ  mình thu 1 sào được 6,7 tạ.”

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Prông có 11 mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực kinh tế. Được biết, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế, hệ thống chính trị của huyện Chư Prông đã hướng về cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất, làm giàu, giảm nghèo, nâng cao thu nhập; đồng thời, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân.

Ông Kpuih Hồ Công Thông – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Chư Prông trao đổi: “Để thực hiện công tác dân vận trên địa bàn huyện trong thời gian tới, chúng tôi xác định rằng cần phải tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, tập trung thực hiện tốt công tác dân vận. Trong đó chú trọng phát triển nhân rộng các mô hình, đặc biệt là thực hiện cuộc vận động về thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững trên đại bàn huyện. Bên cạnh đó cũng tổ chức đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn huyện để nắm bắt kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con, chú trọng đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua dân vận khéo, nhận rộng các mô hình hiệu quả để tạo được sự lan tỏa trong xã hội.”

Hiệu quả từ các phong trào thi đua trên lĩnh vực kinh tế tại huyện Chư Prông đã góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Linh Chi – Huy Toàn


Lượt xem: 21

Trả lời