Câu chuyện khởi nghiệp của chàng thanh niên thế hệ 8x huyện Ia Grai

Cập nhật 28/2/2023, 07:02:22

Lựa chọn hướng đi, ngành nghề nào để khởi nghiệp đang là mối quan tâm của không ít thanh niên hiện nay. Với anh Võ Hoàn Hảo ở xã Ia Yok, huyện Ia Grai sau một thời gian đi làm công ty với vị trí kỹ sư nông nghiệp, năm 2018, anh đã quyết định nghỉ việc và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp làm du lịch nông nghiệp. Nhờ hướng đi mới lạ và không ngừng đổi mới tư duy sản xuất, mô hình khởi nghiệp của chàng thanh niên sinh năm 1989 này đã gặt hái được những thành công nhất định.

Với kiến thức, kinh nghiệm có được trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành bảo vệ thực vật, khi bắt tay khởi nghiệp, anh Võ Hoàn Hảo đã đầu tư trồng nhiều loại rau, măng tây, phúc bồn tử, dâu tây các loại trong vườn của gia đình ở thôn Hưng Bình, xã Ia Yok, huyện Ia Grai. Dù khá chật vật, thậm chí là thất bại trong năm đầu tiên khởi nghiệp nhưng với sự cần cù, chịu khó và trong cái khó ló cái khôn, anh Hảo đã quyết định dừng lại ở mô hình trồng dâu Nhật Hana theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, kết hợp với cho mọi người tham quan, hái dâu tại vườn. Bởi đây là mô hình mà thời điểm lúc bấy giờ ở Gia Lai ít có và du lịch nông nghiệp an toàn, gần gũi với thiên nhiên đang là xu hướng ngày càng được nhiều người chọn lựa để trải nghiệm.

Anh Võ Hoàn Hảo, Thôn Hưng Bình, xã Ia Yok, huyện Ia Grai nói: “Dâu tây này hái và ăn hàng ngày nên đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn rất cao. Khi mình sản xuất ra, đưa ra hàng thị trường thì nhờ các ban, ngành tư vấn làm chứng nhận Vietgap trước và bây giờ đang làm tổ chức sản xuất để chứng nhận vườn đạt chuẩn hữu cơ”.

Từ diện tích 3 sào đến nay, anh Hảo đã đầu tư mở rộng mô hình nông trại dâu tây lên diện tích trên 3 ha với 4 vườn dâu tây tại huyện Ia Grai và TP.Pleiku để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, hái dâu tại vườn của người dân và du khách. Hiện nay đang mùa thu hoạch dâu tây nên vườn dâu của gia đình anh thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm, nhất là dịp cuối tuần.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huế, xã Ia Yok, Huyện Ia Grai chia sẻ: “Cuối tuần thì gia đình dẫn con tới, cảm thấy thích thú và đặc biệt tới đây mình vừa trải nghiệm, vừa có dâu sạch, ngon, ngọt để con sử dụng luôn”.

Được biết, dâu Nhật Hana sau khi trồng, chăm sóc cho thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 5 tháng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi sào dâu gia đình anh Hảo có thu nhập trên 30 triệu đồng. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, nông trại dâu tây của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.

Bà Trần Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Yok, huyện Ia Grai cho biết: “Mô hình dâu tây của anh Hảo chị Hạnh là hội viên phụ nữ thôn Hưng Bình, xã Ia Yok.  Thứ nhất là phát triển kinh tế gia đình, thứ 2 nữa là tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ trong thời gian khó khăn vừa qua, về cơ bản thu nhập ổn định một tháng từ 6 triệu đến trên 7 triệu đồng”.

Không chỉ dừng lại ở mô hình nông trại dâu tây kết hợp với du lịch nông nghiệp, khám phá thiên nhiên, hiện nay, anh Võ Hoàn Hảo còn đầu tư trồng nho, việt quất, đồng thời tận dụng lá dâu để thử nghiệm mô hình nuôi heo sọc dưa…. Những đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để khởi nghiệp của gia đình anh không chỉ góp phần tạo ra những điểm mới lạ để thu hút du khách mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình./.

 Thiên Thanh, Viễn Khánh


Lượt xem: 25

Trả lời