Cảnh báo về sâu bệnh hại trên cây cà phê trong mùa khô

Cập nhật 20/2/2017, 14:02:54

Kết thúc vụ thu hoạch cà phê, hiện nay bà con nông dân đang tập trung chăm sóc như: bón phân, tưới nước, phòng trị sâu bệnh…Theo phản ánh của bà con nông dân cho biết, mùa khô năm nay mật độ sâu bệnh hại trên cây cà phê có chiều hướng gia tăng. Trong đó phổ biến là bệnh rỉ sắt, tảo đỏ, nấm hồng. Phóng sự ghi nhận tại một số vườn cà phê trên địa bàn huyện Chư Pah.

Rỉ sắt, tảo đỏ, nấm hồng…tuy không phải là những bệnh mới, nhưng mức độ gây hại trên vườn cây lại rất lớn. Bệnh rỉ sắt xuất hiện chủ yếu trên lá, tiếp đến là trên thân và quả. Cây nhiễm bệnh sẽ bị rụng lá dẫn đến kiệt sức trên cây, cây héo úa và không thể đậu quả dẫn tới năng suất và sản lượng kém. Khi cây bị bệnh gỉ sắt nặng sẽ chết. Cũng như rỉ sắt, tảo đỏ cũng chính là tác nhân làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm cây phát triển kém. Chính những ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy nên việc thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm tình trạng sâu bệnh và có biện pháp phòng trị kịp thời là điều bà con nông dân cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này.

Đứng trước tình trạng sâu bệnh hại trên cây cà phê có chiều hướng gia tăng, một số nông dân ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah cũng đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng trị và kết quả mang lại khá khả quan.

Anh Nguyễn Văn Đại, Thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah cho biết: “So với năm ngoái, năm nay rỉ sắt, tảo đỏ…có vẻ nhiều hơn. Do vừa rồi mưa nhiều nên các nấm bệnh này kéo dài sang đến mùa khô. Khi mà phát hiện thì tôi cũng sử dụng một số loại thuốc để phun, hiện tại thì các vết bệnh cũng đã khô dần rồi. Nói chung sâu bệnh mà phát hiện sớm, phòng trị đúng cách sẽ hạn chế được mức độ ảnh hưởng. Đối với vườn nhà tôi, vừa qua cũng đã phun thuốc thì hiện nay các vết bệnh cũng đỡ hơn”.

Cũng như anh Đại, với nhiều năm trồng cà phê, anh Lê Minh Đức cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng trị sâu bệnh hại, nên việc quản lý sâu bệnh hại trên vườn cà phê của gia đình anh Đức được thực hiện tương đối tốt.

Anh Lê Minh Đức, Thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah cũng cho biết: “Không chỉ chú trọng đến vấn đề bổ sung dinh dưỡng để vườn cây phục hồi sau thời kỳ mang trái, vấn đề sâu bệnh cũng hết sức quan trọng. Nên sau khi thu hoạch kết hợp với dọn vườn, rửa vườn, tôi cũng đã tiến hành phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh nên hiện tại tình trạng sâu bệnh cũng không có gì đáng lo ngại, vẫn đang có thể kiểm soát được”.

Do ảnh hưởng thời tiết nắng hạn gay gắt nên niên vụ cà phê vừa rồi, sản lượng cà phê của toàn tỉnh giảm trên 40%, nhiều nông dân bị thiệt hại nặng. Vì vậy nhiều nông dân đang kỳ vọng sẽ bù lại trong niên vụ năm nay. Niên vụ mới đã bắt đầu, tuy nhiên tình trạng sâu bệnh hại lại xuất hiện với mật độ dày hơn mọi năm. Vì vậy nếu bà con không có những biện pháp phòng trị kịp thời, hợp lý, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất cho niên vụ này là rất lớn.

Hồng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 275

Trả lời