Cảnh báo gia tăng các tật khúc xạ học đường

Cập nhật 19/5/2016, 14:05:06

Theo khảo sát của Bệnh viện Mắt TW, các tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị đang có chiều hướng gia tăng trong lứa tuổi học sinh, trong đó phổ biến là tật cận thị. Ở tỉnh Gia Lai, tật khúc xạ học đường cũng không nằm ngoại lệ, nhất là trong các học sinh ở bậc THCS, THPT. Đáng quan tâm là nhiều thói quen học tập, sinh hoạt không đúng cách, lạm dụng các thiết bị điện tử trong thời gian quá lâu…. là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến các tật khúc xạ.

 

 

Áp lực học tập, cộng với những thói quen học tập, sinh hoạt không đúng cách, ảnh hưởng đến sự điều tiết của mắt về lâu về dài là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều học sinh các trường phải gắn bó với chiếc kính, gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày…. Bên cạnh đó, nhiều em khi nhận ra dấu hiệu bất thường của mắt như: mắt hay mệt mỏi, nhìn nhòe, không rõ chữ…. đi khám thì mới phát hiện bị cận thị, viễn thị, loạn thị…, thậm chí là bị tật khúc xạ khá nặng. Cùng với đó là những tác động tiêu cực từ việc sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian quá lâu.

Em Nguyễn Tuấn Hưng-Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Tp.Pleiku cho biết: “ Lúc đầu em cận 1 độ giờ lên 1,5 độ. Đeo kính cũng bất tiện lắm, không chạy nhảy được và khó chịu, cấn ở mũi nữa”.

Thạc sĩ, Bác sỹ Nguyễn Văn Lành – Phó Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Có nhiều yếu tố có thể gây cận thị do dinh dưỡng, môi trường, đặc biệt là trong môi trường và cách sử dụng mắt. Cận thị ở lứa tuổi học đường ngày càng tăng cao do trẻ em sử dụng hệ thống công nghệ thông tin càng ngày càng nhiều như: Ti vi, Ipad, điện thoại quá dài và không đúng quy định như khoảng cách từ mắt đến TV, Ipad quá gần.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, tật khúc xạ xuất hiện càng sớm và càng nặng thì sự tăng độ càng nhiều và càng nhanh. Đáng quan tâm là cận thị nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, nếu để bệnh biến chứng nặng có thể bị thoái hóa võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa.

Thạc sĩ, Bác sỹ Nguyễn Văn Lành – Phó Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh khuyến cáo: “Ở trong môi trường làm việc phải đầy đủ ánh sáng, khoảng cách sử dụng mắt hợp lý, kể cả đúng khoảng cách bàn, ghế so với tỉ lệ chiều cao của bản thân, khoảng cách mắt đến TV, Ipad đúng chuẩn,  không được sử dụng thời gian quá lâu vì mắt cũng như hệ thống cơ, sử dụng lâu thì mắt bị mỏi, mệt dễ dẫn đến cận thị vì thời gian sử dụng mắt 35 đến 45 phút phải nghỉ. Đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu mỏi mệt mắt, muốn lại gần tv, cúi sát điện thoại, máy tính… đó là dấu hiệu được gọi là tiền cận thị. Ở giai đọan này có thể giải quyết được để tránh cận thị bằng chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn cách sử dụng mắt phù hợp và nên đi khám bác sỹ”.

Trước thực trạng các tật khúc xạ học đường ngày càng gia tăng, các trường học cần quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe học đường, trong đó có việc phối hợp khám mắt định kỳ cho học sinh. Cùng với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp thì các bậc cha mẹ nên đưa con em đi kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng một lần nhằm phát hiện và phòng tránh kịp thời các tật khúc xạ để có một đôi mắt sáng khỏe./.

Thiên Thanh-Mỹ Tiến- R’Piên


Lượt xem: 67

Trả lời