Bế mạc Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023 – Hơn 1 lời chia tay

Cập nhật 13/11/2023, 06:11:40

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, mang đậm màu sắc văn hóa, thắm đượm tình đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, tối qua (12/11), tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tp.Pleiku đã diễn ra Lễ bế mạc Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023, với chủ đề: “Hơn một lời chia tay”. Dự lễ bế mạc có đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch Gia Lai năm 2023, cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, nhà tài trợ ủng hộ Tuần Văn hoá – Du lịch Gia Lai năm 2023, cùng nhiều người dân địa phương và du khách.

Là một trong những sự kiện chính của Tuần Văn hoá – Du lịch Gia Lai năm 2023, Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023 có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân các dân tộc đến từ 4 tỉnh: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, kết hợp cùng 17 đoàn nghệ nhân dân tộc Bahnar, Jrai của tỉnh Gia Lai đã tạo nên một không gian văn hoá Tây Nguyên rực rỡ sắc màu…

Anh Bruce Dunn – Du khách Scotland bày tỏ: “Tôi rất vui khi tham gia lễ hội của người Tây Nguyên, tôi thực sự ngạc nhiên và bất ngờ bởi sắc màu văn hóa rất thú vị của các bạn, khác hẳn với những vùng đất tôi đã đi qua. Chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi này.”

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023, Trưởng Tiểu ban Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai 2023 trân trọng những đóng góp của các nghệ nhân: Trong 2 ngày qua, tại thành phố Pleiku, hơn 1.300 nghệ nhân đại diện các dân tộc Tây Nguyên đã hòa tấu lên những âm thanh vang vọng của đại ngàn, cùng xoang, cùng trình diễn nhạc cụ, thể hiện những nét văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc mình. Qua đây, những chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên muốn nhắn nhủ với bạn bè trong nước và quốc tế rằng: Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tốt những cam kết với UNESCO năm 2006.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch -Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Trải qua gần 20 năm bảo tồn và phát triển, di sản văn hóa cồng chiêng ngày càng sống động, thân thuộc hơn trong đời sống cộng đồng dân cư các dân tộc Tây Nguyên, như: Bahnar, Jrai, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê…  Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, sự đầu tư đúng đắn cho lĩnh vực này. Cũng chừng ấy thời gian, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực không ngừng để Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục tồn tại sống động trong tình hình mới. Chúng ta tự hào rằng, cho đến nay, các tỉnh Tây Nguyên còn lưu giữ số lượng cồng chiêng lớn, trong đó Gia Lai là tỉnh có số lượng nhiều nhất, với hơn 5.600 bộ. Thành công của Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai năm 2023 có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên.”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, các nhà tài trợ, đặc biệt là các đoàn nghệ nhân, diễn viên của 4 tỉnh: Kon tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai đã phối hợp, tham gia nhiệt tình, góp phần tạo nên sự thành công của Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên-Gia Lai năm 2023.

Dịp này, UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen cho 36 tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp và tham gia tích cực các hoạt động của Tuần Văn hoá – Du lịch Gia Lai năm 2023.

Tại lễ bế mạc, đông đảo người dân và du khách đã được thưởng thức một Chương trình nghệ thuật đặc sắc, với chủ đề: “Hơn một lời chia tay”, với các tiết mục: Hát múa “ Rừng hát”, “Hãy cùng tôi ở lại”; Màn đồng diễn “ Đêm xoang Tây Nguyên”, đặc biệt là Chương trình biểu diễn cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên đã thay lời kết cho một kỳ Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên-Gia Lai thành công rực rỡ.

Nghệ nhân Đinh Văn Loát – Xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Từng vùng, từng dân tộc thì bản sắc cồng chiêng sẽ khác nhau, nhưng một khi đã về đây thì tất cả chúng ta cùng phối hợp, cùng đoàn kết, thống nhất một nhịp chiêng, một bài ca, một điệu xoang, vui tưng bừng…”

Nghệ nhân HThương – Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông vui mừng nói: “Bản thân tôi là một nghệ nhân được tham gia tại Lễ hội cồng chiêng của tỉnh Gia Lai tổ chức, cảm nhận của tôi là rất vui, có ích và có mục đích, đặc biệt nhất là như bản thân tôi và đoàn nghệ nhân của Đăk Nông đến đây là được giao lưu, học hỏi các giá trị văn hoá truyền thống của tất cả các tỉnh bạn. Và chúng tôi cũng biểu diễn, vui hết mình để giới thiệu các lễ hội truyền thống của đồng bào Đắk Nông cho các tỉnh bạn được biết…”

Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên-Gia Lai năm 2023, với sự đầu tư công phu, sự tham gia cháy hết mình của các nghệ nhân đã thực sự chạm đến trái tim của người dân và du khách, lôi cuốn cùng hòa mình vào một không gian lễ hội đầy sôi động, lung linh, rực rỡ sắc màu.

Song Nguyễn – Kim Ngân – R’Piên – Ksor Tuối


Lượt xem: 31

Trả lời