Vùng hạn Ayun (Chư Sê) trước mùa khô hạn 2017

Cập nhật 10/3/2017, 08:03:59

   Ayun và H’Bông là 2 xã bị hạn nặng nhất của huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) trong mùa khô hạn năm 2016. Cuộc sống của người dân vốn khó khăn lại càng thêm chồng chất khó khăn khi mất mùa, thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt. Nhiều giải pháp hỗ trợ đã được xã và chính quyền các cấp triển khai để khắc phục khó khăn cho người dân sau mùa khô hạn năm trước; tuy nhiên với diễn biến cực đoan của tình hình thời tiết những năm gần đây, xã Ayun cũng đang tập trung các phương án chuẩn bị cho mùa khô hạn năm nay, nhất là vấn đề về nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân ở các làng.

Nếu như cùng thời điểm này của năm trước, những giếng nước như thế này ở các làng trên địa bàn xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đều cạn khô trơ đáy, thì năm nay bà con khá yên tâm vì còn nước, có cái để sinh hoạt. Sau đợt hạn năm 2016 vừa qua, ngoài các bồn nước được huyện Chư Sê, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên và các tổ chức cứu trợ hỗ trợ để phục vụ tích trữ nguồn nước cho người dân; từ nguồn kinh phí của huyện cấp, xã Ayun đã tiến hành nạo vét 24 giếng nước ở tất cả 14 làng, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho người dân. Riêng đối với các bồn nước được hỗ trợ năm trước, nếu tình trạng hạn như năm 2016 xảy ra thì xã sẽ đề xuất với huyện xin kinh phí để chở nước về cho người dân. Có nước, mọi thứ với người dân, nhất là bà con đồng bào DTTS nơi đây đỡ vất vả hơn.

Em Rơlan Thin – làng TLâm, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Khổ thì vẫn khổ nhưng mà có nước uống thì giờ cũng đỡ rồi. Nước giếng đây thì nấu cơm, giặt đồ, tắm rửa; còn nước uống thì lấy ở nhà thầy hoặc mình tự đào mình uống”.

Kết thúc mùa khô hạn năm 2016, sản xuất của bà con xã Ayun gần như mất trắng hoàn toàn từ lúa đến bắp, và thậm chí cả loại cây trồng chịu hạn tốt nhất như cây mỳ cũng đều thất thu. Với 801 hộ, 3.746 nhân khẩu là đồng bào DTTS, chiếm 98% số dân của xã; tập quán canh tác vẫn còn theo phương thức lạc hậu, manh mún và phụ thuộc nhiều vào thời tiết; tuy nhiên sau thiệt hại trong mùa khô hạn năm trước, bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017 này, xã đã vận động người dân tập trung phát triển cây trồng theo định hướng ở những vùng có khả năng đảm bảo về nguồn nước tưới; đồng thời cũng đã có kế hoạch cụ thể đối với việc tu sửa nạo vét hệ thống kênh mương trên địa bàn.

Ông Phạm Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Về chủ động nguồn nước thì tuyên truyền, vận động nhân dân nạo vét kênh mương, khai thông đầu nguồn, chặn dòng cuối nguồn để trữ nước. Cơ bản bây giờ thì lúa đã trổ bông, làm đòng. Xã sẽ xuất một phần ngân sách thư nhất là để hỗ trợ bà con nạo vét kênh mương; thứ hai nữa là mua bạt với tôn chặn dòng không cho nước xuống lãng phí để bà con xả nước vào ruộng”.

Ông Siu Don – làng Chép, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai nói: Bữa trước là nước khô, bữa này là có nước rồi, làm ăn lúa có bông rồi; hết tháng này là có thu hoạch rồi.

Dự báo mùa khô năm 2017, thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân xã Ayun (huyện Chư Sê) nói riêng cũng như các địa phương khác nói chung là điều khó tránh khỏi. Giải pháp đã được triển khai thực hiện, và chính quyền lẫn người dân xã Ayun hi vọng sẽ giảm thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn gây ra trong mùa khô năm nay./.

Mỹ Tiến, Minh Trí


Lượt xem: 165

Trả lời