Vẫn còn đó những khó khăn khi về nơi ở mới

Cập nhật 24/8/2016, 07:08:13

Khi đại công trình thủy lợi Ia Mơr được khởi công xây dựng trên vùng biên giới huyện Chư Prông, hơn 150 hộ dân có đất ở, đất sản xuất trong khu vực lòng hồ thủy lợi Ia Mơr đã phải di dời về nơi ở mới. Và đến nay sau gần 5 năm, cuộc sống ở hai làng tái định cư mới H’Náp và Khôi vẫn còn đó nhiều khó khăn, vất vả. Đất sản xuất được cấp lại cho thuê với giá bèo và nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào vài sào lúa rẫy, bắp, mì được trồng trên đất khai hoang gần các bìa rừng.

24.8 vân con kk

Mảnh lúa rẫy của gia đình anh Siu Drông có diện tích hơn 2 sào mỗi năm gia đình anh thu về được không quá chục bao lúa. Vào sâu hơn, cách làng gần 10km, anh còn trồng thêm được hơn 1 ha mì. Vì trồng trên đất khai hoang lại thiếu đầu tư, chăm sóc nên năng suất đạt rất thấp. Được biết, không riêng gì anh Siu Drông mà cả trăm hộ dân thuộc 2 làng tái định cư mới cũng vậy.

Anh Siu Drông, thôn phó làng H’Náp, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông cho biết: “Đất nhà nước cấp thì cho thuê nhưng mà đi khai hoang cái khác để trồng mì, trồng lúa một hộ khoảng 2-3 ha gì đó. Toàn bộ trong làng đi khai hoang đất trồng mì, trồng lúa”.

Được biết khi di dời từ lòng hồ Ia Mơ về làng mới, ngoài đất ở, mỗi hộ còn được nhà nước cấp 1 ha đất sản xuất. Tuy nhiên theo bà con, đất nhà nước cấp thuộc loại đất cát nên không trồng được loại cây gì. Thế nên, bà con đã  cho nhà máy đường Kon Tum thuê lại với giá khá bèo 3 triệu đồng 1 năm, còn lại bà con đi khai hoang trồng lúa, bắp, mì…

Anh Rơ Mah Thanh, làng H’Náp, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông cho biết: “ Dân làng hay thả rông con bò con heo nên không làm được với lại toàn đất cát, không trồng được gì hết. Cho thuê một năm 3 triệu. Nói chung tất cả trong làng ai cũng cho thuê hết.Bà con đi tìm đất mới để làm ăn thôi còn đất kia đất cát làm ăn không ra gì”.

Vốn chỉ quen với cây bắp, cây mì nên khi chuyển sang canh tác trên đất cát bà con không biết xoay sở thế nào đành phải cho thuê cũng là điều dễ hiểu. Nhưng khi nhìn những ruộng mía phát triển xanh tốt trên chính đất của mình, bà con lại mong muốn nắm được kỹ thuật để tự trồng, có như vậy mới hy vọng cuộc sống được cải thiện hơn so với hiện tại.

Anh Siu Dr ông, thôn phó làng H’Náp, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông nói: “Nếu có cách hướng dẫn trồng mía thì bà con thích trồng mía để phát triển kinh tế. Hiện tại thuê một năm 3 triệu lấy tiền đó đâu có được bao nhiêu đâu, không cải thiện được trong gia đình”.

Để xảy ra tình trạng khó khăn như vậy, rõ ràng công tác khuyến nông, khuyến lâm chưa thật sự được quan tâm triển khai đến với bà con nơi đây để hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác những cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Ngược lại chính quyền cơ sở còn cho rằng, đó là do thói quen canh tác của người dân.

Ông Rơ Lan Chiêm, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, huyện Chư Prông cho biết: “Vì theo phong tục tập quán của bà con vẫn thả rông bò heo gần đó nên không thể canh tác gần, bà con vẫn canh tác rẫy cũ, cách làng hơi xa. Cho mía đường Kon Tum thuê lại, trả cho bà con làm hàng rào, cày  xới trong 3 năm. Chúng tôi cũng vận động nhưng bà con theo phong tục tập quán sợ bò heo phá cũng chưa trồng”.

Trong khi trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, chính quyền địa phương thì vẫn giữ lối tư duy cũ, thiếu sự năng động thì e rằng không chỉ đối diện với vấn đề nghèo đói mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như chặt phá rừng làm nương rẫy sẽ vẫn còn tiếp diễn bởi thói quen du canh du cư của người dân nơi đây vẫn chưa phải đã  hết./.

 

Hồng Uyên – Kim Châu – Thanh Sáng

 


Lượt xem: 133

Trả lời